NGÔN NGỮ HÌNH ẢNH VÀ THƯ VIỆN HÌNH ẢNH TRONG NGHỆ THUẬT VẼ VỜI

Đã bao giờ bạn ngẩn ngơ nhìn tờ giấy trắng trước mặt mà ước rằng mình có thể dễ dàng vẽ lên trên đó một khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp thơ mộng chỉ với vài đường cọ hay chưa? Nếu bạn đã từng một hay vài lần trải qua cảm giác đó, thì tôi cũng vậy. 

Việc vẽ tranh phong cảnh tưởng chừng là một việc khó khăn đối với người mới bắt đầu học vẽ, nhưng bạn biết không, nó sẽ không còn là điều gì quá xa vời nữa nếu bạn biết rằng có hai khái niệm tên là visual languagengôn ngữ hình ảnh và​​ visual librarythư viện hình ảnh có thể giúp cho việc học vẽ của bạn trở nên không những dễ dàng hơn, mà còn thú vị hơn.

Hoá ra trong nghệ thuật vẽ có tồn tại một ngôn ngữ bí mật với những ngữ giọng và âm điệu khác nhau như cái cách mà hình dáng, ánh sáng, và màu sắc giao tiếp với đôi mắt người để tạo nên những bức tranh tuyệt vời qua trang giấy trắng.

Và bạn sẽ thật bất ngờ khi biết rằng bạn đã vốn biết đến và sở hữu ngôn ngữ hình ảnh từ rất lâu rồi, và cũng đã vô tình xây lên một thư viện hình ảnh trong đầu bạn từ trước. Não bộ của bạn đã, đang và sẽ luôn thu thập thông tin về những gì bạn thấy xung quanh hàng ngày rồi lưu trữ lại hình ảnh mỗi khi bạn có dịp ngắm nhìn bầu trời lúc hoàng hôn hay bình minh, hay mỗi khi bạn được chứng kiến tận mắt một bức tranh tuyệt vời nào đó.

Bên dưới đây, tôi sẽ giải thích sâu hơn về khái niệm ngôn ngữ hình ảnhthư viện hình ảnh cho các bạn cùng hiểu rõ hơn, và điều này sẽ giúp cho việc học vẽ của bạn trở nên dễ dàng hơn trước.

ngôn ngữ hình ảnh
Tranh Vẽ chân dung của PhatVeBauTroi

Visual Language – Ngôn ngữ hình ảnh là gì?

Ngôn ngữ hình ảnh, cũng giống như bao ngôn ngữ khác, là một trong những phương tiện để truyền đạt thông tin. Ngôn ngữ hình ảnh cũng bao gồm từ vựng và ngữ pháp. Nếu chữ viết giúp ta đọc và hiểu được nội dung một văn bản, thì hình ảnh giúp người ta nhìn và hiểu một hình ảnh có hàm chứa một thông điệp nào đó mà người vẽ muốn truyền tải đến người xem. 

Khi truyền tải thông điệp qua hình ảnh, người ta dễ dàng chia sẻ những suy tư chứa chiều sâu nội tâm của mình một cách hiệu quả và trực quan. Chính vì vậy, việc nhìn hiểu cũng đòi hỏi một chút kĩ năng nhất định về ngôn ngữ hình ảnh để cảm thụ và phán đoán nội dung hàm ý của một bức tranh.

Kĩ năng phán đoán ý nghĩa một bức tranh giúp chúng ta nhận ra hình ảnh cũng mang tính đa tầng về ý nghĩa. Và khi đã hiểu và nắm bắt được về ngôn ngữ hình ảnh, bạn sẽ trang bị cho mình sự hiểu biết về nghệ thuật và thế giới xung quanh bạn, giúp bạn sáng tạo hơn, trái tim bạn cũng dễ dàng thấu cảm hơn, và hơn hết là rèn luyện cho bạn một tư duy phản biện độc đáo. 

Điều gì biến hình ảnh thành một ngôn ngữ?

Đã là ngôn ngữ thì phải có từ vựng, từ vựng của ngôn ngữ hình ảnh chính là hình dạng, đường nét, là những ẩn ý khi vẽ và những ký tự bất thành văn. Để áp dụng ngôn ngữ hình ảnh vào việc vẽ, bạn cần hiểu cách sử dụng kết hợp các thành tố nghệ thuật (những yếu tố tạo thành nên nghệ thuật hình ảnh).

Chúng ta sẽ cùng nhau nhận biết các yếu tố cơ bản của nghệ thuật như bài học vỡ lòng về ngôn ngữ hình ảnh. Điều này giúp chúng ta dễ dàng diễn giải được ý nghĩa hay thông điệp mà một hình ảnh mang lại.

Các yếu tố chính bao gồm:

  • Đường nét: là những nét vẽ của bạn lên giấy, nét đậm, nét nhạt, nét thẳng, nét cong, nét đứt, …
  • Hình dạng: ví dụ hình tròn, hình vuông, …
  • Khối: là khối cầu, khối trụ, khối hộp, …
  • Không gian: khoảng cách, khoảng trống giữa các nội dung vẽ trên giấy
  • Bề mặt: diễn tả bề mặt của hình vẽ trên tranh, ví dụ bề mặt sần sùi, bề mặt trơn mịn, bề mặt phản chiếu ánh sáng
  • Sắc độ: độ đậm nhạt, độ tương phản của màu sắc
  • Màu sắc: là những màu sắc bạn chọn tô lên tranh
ngôn ngữ hình ảnh
Minh hoạ bởi PhatVeBauTroi

Các yếu tố cơ bản này thường được sử dụng kết hợp cùng với nhau để tạo ra tranh vẽ, và cách mà các yếu tố này được tổ chức bố trí trên tác phẩm quyết định kết quả đầu ra của một tác phẩm.

Nghe có vẻ phức tạp, nhưng đó chính là các bước trong quy trình vẽ tranh của bạn. Ví dụ bạn dùng đường nét để vẽ một nhân vật, dùng các hình khối để tạo các giác 3D cho nhân vật đó, trong tranh bạn để nhân vật ở giữa và bố cục không gian theo ý thích, bạn dùng màu tô lên tranh vẽ để hoàn thành.

ngôn ngữ hình ảnh
Tranh vẽ chân dung của PhatVeBauTroi

Tôi có một cách khác để giúp bạn dễ dàng tưởng tượng ra cách sử dụng ngôn ngữ hình ảnh. Hãy thử tưởng tượng: hình khối là các từ vựng trong chữ viết, màu sắc là dấu câu, và bố cục là một câu văn hoàn chỉnh, vậy thì một tranh vẽ được tạo ra với những gam màu lạnh là một bài văn truyền tải cho bạn những cảm xúc có phần buồn và sâu lắng.

Thay vì dùng từ vựng để viết văn, ở đây bạn dùng các thành tố cơ bản của nghệ thuật để vẽ lên giấy. Chính thứ ngôn ngữ bí mật này đã khiến một bức tranh có thể khiến bạn hạnh phúc hay cảm thấy đau lòng khi thưởng thức.

Và mỗi khi bạn mê mẩn nhìn hoàng hôn buông, khúc khích cười trước một hình meme trên mạng, hoặc bị ám ảnh với một cảnh phim cụ thể nào đó thì, đúng vậy! bạn đang xây dựng cho mình một thư viện hình ảnh trong đầu, bạn đang học từ vựng và cụm từ hình ảnh mới qua những thông điệp không chữ của của các hình ảnh mà bạn nhìn thấy trước mắt.

Nói cách khác, bạn học từ vựng hình ảnh thông qua việc quan sát hàng ngày.

Hãy tưởng tượng não bộ của bạn là một thư viện số chứa những hình ảnh thú vị. Cứ mỗi khi bạn nhìn thấy một cái poster (áp phích) phim nào hay ho bắt mắt hay một quảng cáo vui nhộn nào đó, là khi đó bạn đã thêm vào trong đầu những món đồ mới cho bộ sưu tập trong bảo tàng số của mình.

Càng nhìn và quan sát thế giới xung quanh nhiều thì bạn sẽ càng rành rọt hơn thứ ngôn ngữ hình ảnh này.

Đã là ngôn ngữ thì các từ vựng sẽ đều có ý nghĩa và mang thông điệp khác nhau tuỳ theo cách bạn vẽ, sau đây là một vài ví dụ:

  • Hình dạng và đường nét: khi bạn vẽ những góc cạnh sắc nhọn, điều đó cho bạn cảm giác của sự nguy hiểm, còn những góc bo tròn nhẹ dịu dàng dễ dàng làm bạn hiểu ngay sự dễ thương và chill.
  • Màu sắc: nếu màu đỏ rực rỡ như hét vào mặt bạn rằng “Hãy chú ý!” thì màu xanh dương thì thầm với bạn “Hãy bình tĩnh nào!”, tức cách bạn chọn màu để tô lên tranh vẽ cũng có ý nghĩa cho sự cảm nhận của người xem.
  • Biểu tượng: những icon mũi tên, hoặc cái đầu lâu với hai đường thẳng chéo nhau như dấu X, … những thông điệp này khá quen thuộc và chúng ta điều hiểu được ý nghĩa riêng của nó khi nhìn thấy. Rõ ràng chỉ là những biểu tượng hình ảnh, nhưng nó chứa đựng thông điệp bên trong để truyền tải.

Hiểu biết về ngôn ngữ hình ảnh giúp bạn mở cánh cửa sáng tạo tiềm ẩn bên trong mình. Khi nắm bắt được nó, bạn sẽ dễ dàng thiết kế cho mình những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, hay dễ dàng hiểu được những thông điệp ẩn đằng sau một poster quảng cáo trên internet, và hơn hết là dễ dàng để thấy nghệ thuật là một điều gì đó rất đáng trân trọng trong cuộc sống này.

Biết thêm ngôn ngữ hình ảnh là bạn biết thêm một ngôn ngữ mới, điều đó mở ra cho mình những cánh cửa để đến với thế giới ẩn mình với vô vàn câu chuyện chưa từng được kể trước đây. 

ĐỪNG BỎ QUA: BÍ QUYẾT HỌC VẼ TỐI THỨ 3: Cách tập vẽ nhân vật Rùa Mầm Non

Visual Library – Thư viện hình ảnh là gì?

Mỗi người chúng ta điều có một nơi trong bộ não để lưu trữ những kí ức về hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy, đó ta gọi là thư viện hình ảnh. Việc có kí ức về hình ảnh mà bạn bắt gặp hằng ngày cho phép bạn nhận dạng hình ảnh xung quanh một cách chính xác, cộng thêm với sự hiểu biết, việc nhận diện hình ảnh càng trở nên dễ dàng hơn.

Lấy ví dụ, khi một ai đó nói với bạn về xe cứu hoả, ngay lập tức hình ảnh xe cứu hoả sẽ hiện lên trong đầu bạn và bạn cũng biết chính xác nó có hình dạng trông ra sao với những thông tin chính như: một chiếc xe màu đỏ chạy hết tốc lực với chiếc thang kèm tiếng còi hụ inh ỏi.

Vậy nếu ngay bây giờ, bạn được yêu cầu vẽ lại chiếc xe cứu hoả với những yếu tố chính vừa nêu trên thì bạn có thể vẽ lại được không?

Nếu như câu trả lời là không thì bạn cần phải trau dồi và luyện nhớ xe cứu hoả bằng cách quan sát thật nhiều để “in đậm” hình ảnh về xe cứu hoả trong thư viện hình ảnh của mình hơn nữa.

Từ đó suy ra, để vẽ được nhiều thứ hơn, lời khuyên tôi dành cho bạn là hãy mở rộng thư viện hình ảnh của mình. Vậy thì…

Làm sao để mở rộng thư viện hình ảnh của bạn?

Một vài năm trước đây, khi tôi chưa trở thành một hoạ sĩ, tôi đã gặp gỡ hoạ sĩ Phan Nguyễn và tự hỏi vì sao trong quyển sổ vẽ của cô hoạ sĩ này toàn hình ảnh của những loài rồng. Mãi về sau tôi mới biết được, thời điểm đấy, Phan Nguyễn đang tham gia một dự án truyện về loài rồng, và việc liên tục tìm hiểu và vẽ lại những con rồng vào sổ là cách để hoạ sĩ Phan Nguyễn mở rộng vốn từ vựng hình ảnh về rồng cho thư viện của mình.

Tôi đã nhận ra rất nhiều điều thú vị khi ấy, nhất là cách để tôi và bạn có thể mở rộng được thư viện hình ảnh của mình qua câu chuyện trên.

Để mở rộng thư viện hình ảnh, việc bạn cần làm là hãy tìm hình ảnh về thứ mà bạn muốn vẽ, quan sát và tập vẽ nó cho đến khi quen và thuần thục. Tập vẽ thường xuyên giúp bạn nhớ những hình ảnh về vật thể/chủ đề đó lâu hơn, hỗ trợ ta rất nhiều về sau trong quá trình nhận dạng hình ảnh khi vẽ.

Nói cách khác, khi bạn đã vẽ qua một hình ảnh một hoặc vài lần, ở lần tiếp theo khi không cần nhìn theo mẫu nữa, bạn vẫn có khả năng vẽ được nó. Ví dụ, ngay lập tức PhatVeBauTroi có thể vẽ được nhân vật Doraemon của tác giả Fujio F Fujiko mà không cần nhìn vào mẫu, bởi PhatVeBauTroi đã vẽ Doraemon trước đây nhiều lần trong lớp học.

ngôn ngữ hình ảnh
Tranh vẽ của PhatVeBauTroi

Học ghi nhớ một vật thể / chủ đề bằng cách vẽ lại nó với những chi tiết mà bạn quan sát được trong cuộc sống hằng ngày hay qua tham khảo trên internet cũng đều là cách để bạn thu nạp thêm vốn từ vựng hình ảnh cho thư viện của mình.

Ngoài luyện vẽ với các yếu tố như đường nét, hình dáng, hãy luyện luôn cách ghi nhớ những màu sắc tạo nên một vật và cả những chi tiết nhỏ tạo nên tính cách/giá trị của vật đó nữa nhé.

Cũng nên biết rằng với mỗi người thì thư viện hình ảnh cá nhân sẽ khác nhau, không của ai giống của ai cả. Điều quan trọng mà bạn cần lưu tâm là tạo cho mình một thư viện hình ảnh mang đậm tính cá nhân, điều này sẽ mang lại sự trau dồi cho cá tính nghệ thuật sau này khi bạn vẽ.

Sau đây là vài mẹo để mở rộng thư viện hình ảnh của bạn:

  • Chọn một chủ đề mà bạn hứng thú để vẽ (Ví dụ chủ đề nấu ăn, con vật, đồ vật trong nhà, siêu anh hùng, …)
  • Thu thập hình ảnh tham khảo về chủ đề đó trên mạng internet hay ảnh chụp từ cuộc sống
  • Tạo thư mục hình ảnh trên máy tính để lưu trữ hình ảnh tham khảo
  • Luôn luôn tìm kiếm những hình ảnh mới để cập nhật.
  • Trau dồi kĩ năng nhớ hình ảnh của bạn bằng cách vẽ mọi thứ ra giấy/ipad.
  • Lên lịch tập vẽ đều đặn.
  • Song song với việc chỉ vẽ với những gì bạn thấy trên mạng, hãy ra ngoài và xem vật đó ngoài đời thật.
  • Luôn cập nhật thư viện hình ảnh của bạn khi bạn tìm thấy một sở thích/cảm hứng mới.
  • Theo dõi những người có phong cách nghệ thuật tương tự để lấy cảm hứng
  • Vẽ lại hình vẽ của người khác cũng là một cách để mở rộng vốn từ vựng hình ảnh của mình

Đừng bỏ qua: 4 LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU CÁCH HỌC VẼ BẰNG VIỆC SAO CHÉP KHIẾN BẠN BẤT NGỜ

Ngoài việc dễ dàng ghi nhớ nội dung hình ảnh chủ thể thì việc vừa vẽ vừa quan sát thế giới xung quanh cũng thú vị hơn rất nhiều 🙂 Vì vậy, hãy ra ngoài khám phá thế giới, tìm một chỗ ngồi lý tưởng trong công viên và vẽ ngay những gì đôi mắt bạn cảm thấy thích thú và hấp dẫn!

ngôn ngữ hình ảnh
Tranh vẽ từ vựng hình ảnh về các loại chậu cây của PhatVeBauTroi
ngôn ngữ hình ảnh
Tranh vẽ từ vựng hình ảnh về chân dung của PhatVeBauTroi

Bạn thấy đấy, học vẽ đâu phải chỉ là cầm bút lên rồi vẽ, mà nó còn là một quá trình tìm hiểu về những thứ xung quanh trong cuộc sống hằng ngày, sau đó sử dụng thư viện hình ảnh cùng kỹ năng vẽ của bạn để chuyển những gì bạn quan sát được thành những tác phẩm nghệ thuật.

Hãy nghĩ về nó giống như việc học một ngôn ngữ mới – bạn càng biết nhiều từ vựng, cuộc trò chuyện càng trôi chảy, những câu chuyện bạn kể sẽ càng thêm thú vị. Vì vậy, hãy bỏ đi sự sợ hãi, cầm lên chiếc iPad hay cuốn sổ phác thảo và bắt đầu vẽ thế giới xung quanh bạn.

Mỗi hình dạng, mỗi đường cong, mỗi vệt màu đều là một bài học đang chờ bạn học đấy! Tin tôi đi, chỉ cần bạn chịu khó học ngôn ngữ hình ảnh bằng cách tập vẽ mọi thứ bạn thích, thì trang giấy trắng đó sẽ không còn đáng sợ nữa, bạn sẽ tự mình vẽ bằng sự tưởng tượng trong đầu bạn một cách tự do và trong sự thích thú.

Đó sẽ là bức vẽ của bạn, sân chơi của bạn, cơ hội để bạn vẽ nên câu chuyện của riêng mình. Hãy kiên nhẫn nhé, mỗi lần một nét vẽ, mỗi ngày vẽ một chút thôi!

Cố lên nào, vẽ vời đâu có khó, bạn làm được mà!

ĐỪNG BỎ QUA: 10 LỢI ÍCH KHI VẼ SÁNG TẠO TRÊN IPAD (Bạn chưa từng biết đến)


Trên đây là những chia sẻ của PhatVeBauTroi về NGÔN NGỮ HÌNH ẢNH VÀ THƯ VIỆN HÌNH ẢNH TRONG NGHỆ THUẬT VẼ VỜI, hi vọng những chia sẻ này mang lại nhiều thông tin hữu ích cho hành trình vẽ vời của bạn.

Nếu có những thắc mắc hay chia sẻ thêm, hãy để nó dưới phần bình luận của bài viết.

PhatVeBauTroi

<3

Để lại một bình luận

Giỏ hàng
Lên đầu trang