DẠY VẼ CHO BÉ - 6 BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP VẼ

DẠY VẼ CHO BÉ – 6 BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP VẼ

Học vẽ không chỉ là một hoạt động giúp trẻ phát triển kỹ năng hình ảnh, mà còn là cơ hội để phát triển khả năng tư duy sáng tạo, rèn luyện sự tập trung và tính kiên nhẫn.

Có những tính chất khiến cho việc triển khai một lớp học vẽ đơn giản hơn những loại lớp học khác như tính sáng tạo, sự tự do cởi mở, thành phẩm mang tính cá nhân hoá, chất liệu học nhiều màu sắc, âm nhạc và câu chuyện vui nhộn, … Nhưng cũng chính những yếu tố tự do, sáng tạo không có khuôn khổ đó lại là điều khiến cho nhiều thầy cô bối rối trong việc dạy vẽ cho bé trong lơp học của mình.

Việc thu hút và giữ sự hứng thú là điều quan trọng để khuyến khích trẻ em có tinh thần sáng tạo và sự kiên nhẫn hoàn thành tác phẩm nghệ thuật của mình trong lớp học. Dưới đây là PhatVeBauTroi sẽ chia sẻ một số phương pháp, cách thức hiệu quả giúp bạn tạo ra những giờ học vẽ thú vị và hấp dẫn cho trẻ em.

>>> ĐỪNG BỎ QUA: PHƯƠNG PHÁP DẠY VẼ CHO TRẺ BẰNG TRUYỆN KỂ (KÈM VIDEO HƯỚNG DẪN)

>>> ĐỪNG BỎ QUA: TOP 8 LỢI ÍCH CỦA LỚP HỌC VẼ CHO TRẺ EM (bạn nên biết)

6 bí quyết dạy vẽ cho bé

1. Tạo môi trường học tập thân thiện

Môi trường học tập thân thiện, thoải mái là yếu tố quan trọng để trẻ cảm thấy vui vẻ và hứng thú khi tham gia một giờ học vẽ.

1.1 Sắp xếp không gian học sáng tạo

Không gian mở

Tạo không gian học vẽ cho trẻ rộng rãi, thoáng đãng với ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng tạo nhiều cảm hứng sáng tạo hơn một căn phòng kín, hãy thử tưởng tượng bạn ngồi vẽ trong một phòng kín 4 bức tường và khi ngồi vẽ ngoài sân vườn hay bãi có có nắng, có cây xanh, điều đó chắc chắn tạo ra những cảm hứng vẽ khác biệt.

Nếu lớp học không có những điều kiện đó, bạn có thể đặt một ít cây xanh lên kệ, hoặc trang trí bày trí không gian bằng những dây cờ, poster màu sắc, … hay bất cứ yếu tố nào mà bạn nghĩ có thể giúp làm “mềm mại” không gian lớp của mình hơn.

Trang trí lớp học đẹp mắt

Sử dụng màu sắc tươi sáng và trang trí không gian học với các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật của trẻ.

Khi bước vào một không gian có trang trí, trẻ nhận ra ngay đây là nơi dành cho vẽ vời, cảm hứng đó cho trẻ nhiều ý tưởng, ý định làm gì đó trong không gian này ngay khi đặt chân vào đây. Có đôi lúc, không cần thầy cô phải nói ra thành lời hay giải thích những hoạt động, chính bản thân trẻ em sẽ tự biết mình cần làm gì khi đến một nơi nào đó, ví dụ như khi bạn ném cho trẻ một cây bút màu và giấy, trẻ sẽ tự dùng nó để vẽ, nếu mang cho trẻ một ít đồ chơi, trẻ sẽ tự biết chơi những món đồ đó như thế nào.

Vậy nên, bằng cách để sẵn một ít dụng cụ vẽ và giấy màu, hãy để cho không gian lớp học vẽ của bạn nói lên thông điệp mời gọi trẻ: “Hãy ngồi xuống để vẽ vời, hay chơi với màu sắc và tận hưởng không gian âm nhạc và có nắng này đi!”.

DẠY VẼ CHO BÉ - 6 BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP VẼ
Nguồn: Pinterest

Góc sáng tạo

Nếu có điều kiện về mặt không gian, bạn có thể tạo một góc nhỏ với các vật liệu vẽ, màu sắc, giấy, và các công cụ khác để trẻ tự do sáng tạo, tách biệt với các góc khác.

Việc tách biệt và đặt tên cho từng không gian ra cũng là cách để giúp trẻ nhận biết khu vực, vị trí đặt các dụng cụ khi cần lấy và khi dọn dẹp, cũng để trẻ học cách phân biệt các không gian và luật chơi, tuân thủ quy định của các không gian chức năng đó. Điển hình như việc trẻ có thể làm bẩn ở khu vực chơi màu, kể cả lên sàn nhà hay lên tường phấn, còn ở khu vực đọc sách, trẻ cần giữ trật tự và sắp xếp sách gọn gàng, …

Một vài ví dụ góc không gian như:

  • Góc đọc sách/ đọc truyện
  • Góc vẽ màu
  • Góc thủ công
  • Góc vận động
  • Góc vệ sinh dụng cụ

1.2 Âm nhạc và âm thanh trong việc dạy vẽ cho bé

Âm Nhạc Nhẹ Nhàng

Bạn có thể dùng âm nhạc rộn ràng khi chào đón trẻ vào lớp, và thay đổi loại âm nhạc phù hợp với từng khoảnh khắc khác nhau trong lớp học của bạn, nhất là khi trẻ ngồi tập trung, say sưa làm việc.

Thật ra, âm nhạc là một phần rất quan trọng trong việc dạy vẽ cho bé. Nói về âm nhạc, tôi nhớ đến một chuyện trước đây:

Vào năm 2018, PhatVeBauTroi có từng tham gia một workshop vẽ cho người lớn tại TPHCM, có một khoảng trong giờ học tất cả mọi người cùng ngồi vẽ trong không gian im lặng tuyệt đối. Vào cuối buổi trải nghiệm, Phát có đặt câu hỏi với giảng viên rằng vì sao không sử dụng âm nhạc nền lúc mọi người vẽ để tạo không khí. Người giảng viên khi đó trả lời rằng việc không dùng nhạc với lý do giảng viên không muốn âm nhạc dẫn dắt cảm xúc của người tham gia, cô muốn mọi cảm xúc vẽ ra đều là cảm xúc thật của họ.

Khi nhận được câu trả lời, PhatVeBauTroi đã suy nghĩ về một quan điểm ngược lại, việc sử dụng âm nhạc trong lớp học là một cách để khơi gợi cảm xúc cho người học, âm nhạc là một chất xúc tác tốt cho sự sáng tạo. Khi một bản nhạc được bật lên, mỗi người sẽ bật ra những ý tưởng, cảm xúc, câu chuyện khác nhau, điều quan trọng là tất cả đều là những câu chuyện của chính họ, âm nhạc chỉ là cầu nối để người học dễ dàng liên tưởng hơn.

Âm nhạc trong lớp học trẻ em cũng quan trọng như thế. Trong lớp học trẻ em, âm nhạc làm nhiệm vụ tạo không khí rộn ràng, dễ tập trung, ngoài ra âm nhạc còn có một chức năng giới hạn thời gian cho hoạt động, ví dụ như bạn có thể giao cho trẻ em một trò chơi/ nhiệm vụ vẽ nào đó, và cả lớp cần kết thúc hoạt động trong vòng 1 bài nhạc 2 phút, khi nhạc kết thúc cả lớp sẽ cùng dừng hoạt động lại.

Âm Thanh Thiên Nhiên

Đôi khi nếu trong bài tập vẽ tại lớp học trẻ em có nội dung liên quan đến việc vẽ thiên nhiên, chim chóc, dòng sông, … bạn cũng có thể sử dụng âm thanh tự nhiên như tiếng chim hót, tiếng nước chảy để tạo không khí và sự gợi ý, tưởng tượng tốt hơn khi trẻ vẽ.

>>> ĐỪNG BỎ QUA: iPAD GIÚP CON VẼ SÁNG TẠO VÀ 5 Ý TƯỞNG ĐỂ BẮT ĐẦU

2. Soạn bài giảng cho lớp học sáng tạo

Không gian và không khí lớp học là một phần, ngoài ra việc có một kế hoạch nội dung bài học sáng tạo và phong phú sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú và tham gia tích cực hơn. Điều này đòi hỏi bạn phải hiểu những đứa trẻ trong lớp học của mình về khả năng, sở thích, loại hình tính cách. Tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng lên thành phẩm hay quá trình vẽ của mỗi đứa trẻ.

2.1 Chủ đề hấp dẫn và liên quan đến trẻ

  • Chủ đề gần gũi: Lựa chọn các chủ đề gần gũi với cuộc sống hàng ngày của trẻ như động vật, thiên nhiên, gia đình, hoặc các nhân vật hoạt hình mà trẻ yêu thích.
  • Chủ đề mở rộng: Ngoài những chủ đề gần gũi với cuộc sống, bạn có thể soạn các bài giảng sử dụng các chủ đề mở rộng ra ngoài khả năng hiểu biết của trẻ, điều đó cũng có tác dụng khơi gợi tò mò từ những điều chưa biết, ngoài ra đó cũng là cách để bạn cung cấp cho trẻ những kiến thức, thông tin hữu ích mới mẻ thông qua giờ học vẽ.
  • Chủ đề giáo dục hành vi cho trẻ: Bên cạnh những chủ đề tượng hình cụ thể như trên, bạn cũng có thể lồng ghép những nội dung bài học về giáo dục cảm xúc hay giáo dục những hành vi tốt mà trẻ cần làm. Ví dụ như bạn dạy về việc nên làm việc tốt hàng ngày, nên nói lời cảm ơn, biết cách xin lỗi, biết gọi tên cảm xúc, học về nguồn gốc của cảm xúc, … Một vài ví dụ bài tập như: Cây biết ơn, Chiếc xô cảm xúc, Nhìn hình đoán cảm xúc, …
DẠY VẼ CHO BÉ - 6 BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP VẼ
Ảnh: Phatvebautroi

2.2 Hoạt động đa dạng phù hợp từng nhóm độ tuổi

Dù là lớp học vẽ, nhưng bạn cũng có thể lồng ghép các hoạt động vận động hay hoạt động kể chuyện, trò chơi, dã ngoại, … để tăng thêm sự đa dạng bài học và tạo thêm sự hứng thú học tập ở trẻ. Điều lưu ý quan trong là các nội dung cần phải thiết kế phù hợp với tầm nhận thức của từng nhóm độ tuổi mà bạn phụ trách. Một vài nội dung ví dụ như:

  • Trò chơi vận động đầu giờ: Mỗi buổi học có thể bắt đầu bằng một trò chơi vận động để khơi lên tinh thần năng động sẵn sàng cho một “chuyến đi” sáng tạo. Hoạt động vận động có thể dùng toàn bộ cơ thể, hoặc chỉ đơn giản là ngồi xuống bàn và vẽ nghệch ngoạc tự do trên một tờ giấy, bạn cũng có thể dùng một vài tờ giấy nháp để trẻ con ngồi vò nhàu lại và lắng nghe âm thanh của giấy, sau đó mở bung giấy ra để quan sát các nếp gấp giấy đã tạo ra từ đó, ….
  • Thực hành vẽ tự do: Thi thoảng bạn cũng có thể cho phép trẻ tự do sáng tạo và thể hiện ý tưởng của mình mà không có khuôn mẫu cố định thông qua một chủ đề nào đó bạn đặt ra cho cả lớp. Đó cũng có thể là cơ hội để bạn quan sát được câu chuyện, tâm tư, sở thích của trẻ. Vẽ tự do cũng là một cách để giải phóng năng lượng và kích hoạt sáng tạo thông qua việc tự do thể hiện mình bằng màu sắc.
  • Dự án theo nhóm: Mỗi tháng bạn cũng có thể cho lớp học của mình thực hiện các dự án vẽ nhóm để trẻ học cách làm việc cùng nhau và chia sẻ ý tưởng. Dự án có thể chỉ trong 1 buổi hoặc kéo dài nhiều buổi, có thể có một triển lãm thành phẩm sau các dự án.
  • Thử nghiệm kỹ thuật mới: Xen giữa các trò chơi, bạn cũng cần hướng dẫn trẻ thử nghiệm các kỹ thuật vẽ khác nhau như vẽ bằng cọ, màu nước, bút chì màu, hoặc thậm chí là vẽ bằng bàn tay, các ngón tay, … Tạo ra thành phẩm cũng chính là mục đích chính của việc dạy vẽ cho bé.
  • Hoạt động thí ngiệm vật lý, hoá học: cũng có thể được mang vào lớp học vẽ, đơn cử như hiệu ứng loang màu với sữa, hiệu ứng núi lửa phun trào với baking soda và giấm, quan sát và vẽ các loại tinh thể, …
  • Vẽ vời qua các loại hình nghệ thuật khác nhau: Có những giờ học không chỉ là vẽ, vẽ có thể là một phần trong việc thực hành một loại nghệ thuật khác, ví dụ như trong kể chuyện rối bóng, bạn cho trẻ vẽ các nhân vật để chiếu bóng cho câu chuyện của mình, một ví dụ các trong nghệ thuật trình diễn, trẻ em sẽ vẽ các loại mặt nạ hay cắt dán trang phục hoá trang cho vai diễn ngắn của mình trong lớp, PhatVeBauTroi từng có một buổi học về “ảo ảnh thị giác” cho trẻ em, trong buổi này, trẻ em được học về nguyên lý thị giác và cách làm phim hoạt hình, trẻ sử dụng khả năng vẽ và tô màu của mình để làm những đồ chơi thị giác như Thaumatrope, Zoetrope, …
DẠY VẼ CHO BÉ - 6 BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP VẼ
Thaumatrope – Nguồn: Pinterest

>>> ĐỪNG BỎ QUA: BỐ MẸ HIỂU CON QUA TRANH VẼ CỦA TRẺ

3. Sử Dụng Công Nghệ Hỗ Trợ

Công nghệ có thể là một công cụ hữu ích để làm cho giờ học vẽ trở nên thú vị hơn.

3.1 Sử dụng laptop và máy chiếu

  • Laptop và máy chiếu: Sử dụng máy chiếu để trình chiếu cho trẻ những video ngắn để dẫn dắt vào nội dung bài học. Vài trường hợp khác, bạn cũng có thể tận dụng ánh sáng của máy chiếu để thực hiện những nội dung học như Rối bóng, Shadow art, Bay vào vũ trụ, …
  • Hướng dẫn bằng Video Youtube: Sử dụng các video trên YouTube hoặc các trang web khác để hướng dẫn trẻ thực hành vận động khởi động hay vẽ theo từng bước, …

3.2 Trò chơi vẽ trực tuyến

  • Trò Chơi Vẽ: Sử dụng các trò chơi vẽ trực tuyến như Quick, Draw! của Google để tạo ra những thử thách vẽ nhanh và vui nhộn cho trẻ lẫn thầy cô.
  • Tạo hình vẽ chuyển động: Một vài ứng dụng tạo hoạt ảnh trực tuyến cho nhân vật của trẻ, ví dụ như ANIMATED DRAWINGS

>>> ĐỪNG BỎ QUA: NGÔN NGỮ HÌNH ẢNH VÀ THƯ VIỆN HÌNH ẢNH TRONG NGHỆ THUẬT VẼ VỜI

4. Tạo động lực và khích lệ khi dạy vẽ cho bé

Động lực và sự khích lệ là yếu tố quan trọng để trẻ duy trì hứng thú và tự tin trong việc học vẽ ở trẻ em. Điều này thể hiện qua lời khen ngợi và sự công nhận quá trình và mỗi thành phẩm mà trẻ tạo ra từ thầy cô hay người hướng dẫn.

4.1 Tôn trọng sự sáng tạo

  • Tôn trọng ý tưởng: Luôn tôn trọng và đánh giá cao ý tưởng và sáng tạo của trẻ, dù cho đó là những bức vẽ đơn giản hay phức tạp. Bởi vốn tuỳ theo từng độ tuổi và kinh nghiệm cuộc sống mà những ý tưởng đều khác biệt nhau, kể cả những điều trẻ vẽ ra là phi logic hoặc ngớ ngẩn đối với người lớn thì cũng đều là những ý tưởng nên được lắng nghe và cần được tôn trọng.
  • Không chỉ trích, cười chê: Tránh chỉ trích hay chê bai tác phẩm của trẻ. Thay vào đó, bạn hãy đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng và khích lệ. Cũng có trường hợp tranh trẻ nhỏ vẽ nguệch ngoạc khiến bạn không hiểu được, nhưng bạn đừng vội chê bai hay cười cợt, theo quyển sách ĐỌC VỊ TRẺ QUA NÉT VẼ của tác giả AKIYOSHI TORII có viết rằng tranh của trẻ tuổi mầm non dùng để hỏi chứ không phải để thưởng thức. Ở tầm nhận thức khi còn nhỏ tuổi, trẻ chưa thể định hình được hình vẽ của mình một cách chỉn chu và chính xác, vì vậy với tranh vẽ của trẻ nhỏ, bạn có thể đặt những câu hỏi như: “Đây là gì?” “Nhân vật này đang làm gì?” “Đây là đâu?” … Qua các câu hỏi đó, trẻ sẽ chia sẻ thêm về ý tưởng của mình, từ đó giúp bạn có thể hiểu những đứa trẻ của mình hơn qua tranh.
DẠY VẼ CHO BÉ - 6 BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP VẼ
Nguồn: Pinterest

4.2 Khen ngợi quá trình và phần thưởng

  • Khen ngợi quá trình: Người lớn thường có xu hướng khen chê về kết quả, khiến cho sự khen chê bị giới hạn bởi sự đúng/ sai, xấu/ đẹp. Thay vào đó, bạn có thể tập trung khen chê vào quá trình trẻ vẽ tranh, tập trung khen khợi vào quá trình cũng là cách khuyến khích niềm vui khi sáng tạo và xây dựng cho trẻ những đức tính tốt đẹp hơn qua việc vẽ tranh. Khi bạn muốn trẻ em có đức tính gì, hãy dùng từ ngữ của đức tính đó để khen ngợi như: “kiên nhẫn” “lễ phép” “sạch sẽ” “có mắt thẩm mỹ”, “tốt bụng” … Hãy khen ngợi những nỗ lực và thành quả của trẻ một cách cụ thể. Ví dụ, “Con đã làm rất tốt khi pha trộn màu sắc trong bức tranh này!” “Con là một bạn nhỏ kiên nhẫn khi đã tô hết bức tranh trong 30 phút”, …
  • Phần Thưởng: Có thể sử dụng các phần thưởng nhỏ như sticker, huy hiệu, hoặc thời gian xem video thêm để khuyến khích, tạo động lực cho trẻ.

4.3 Triển lãm trong lớp học

Triển lãm tranh vẽ hàng ngày của trẻ cũng là cách để công nhận công sức sáng tạo của trẻ sau mỗi hoạt động. Bạn có thể chỉ đơn giản là dán các tranh vẽ lên kính, lên tường một cách ngay ngắn, đều nhau, đẹp mắt để những người khác cùng chiêm ngưỡng tranh. Bạn cũng có thể gợi ý trẻ ký tên, hoặc đơn giản là để lại một ký hiệu cá nhân của trẻ lên tranh vẽ.

Nếu bạn không có điều kiện hay khoảng trống trong lớp để triển lãm, bạn cũng có thể đơn giản là cất các tranh vào túi, vào hộp tủ hay nơi nào đó phù hợp để trẻ thấy sản phẩm của mình được trân trọn và giữ gìn, bạn cũng có thể cho trẻ mang tranh về nhà để tự bảo quản.

Nếu những tranh vẽ đó không thể lưu giữ, thì ít nhất bạn cũng không nên ném nó đi trước mặt trẻ sau giờ học.

DẠY VẼ CHO BÉ - 6 BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP VẼ
Ảnh: Phatvebautroi

5. Dẫn dắt lớp dạy vẽ cho bé bằng các hoạt động đa dạng khác

Kết nối, dẫn dắt giờ học vẽ với các hoạt động khác sẽ giúp trẻ thấy sự liên kết và ứng dụng của việc học vẽ trong cuộc sống, hoặc thấy giờ học vẽ thú vị hơn và không nhàm chán.

5.1 Dẫn dắt bằng câu chuyện

  • Kể chuyện qua tranh/ sách tranh: Sử dụng câu chuyện liên quan đến chủ đề để kể vào đầu giờ học, và đặt ra các thử thách vẽ liên quan đến câu chuyện đó, hoặc thiết kế bìa sách cho câu chuyện chẳng hạn.
  • Sáng tác truyện tranh: Khuyến khích trẻ sáng tác các câu chuyện của riêng mình và vẽ tranh minh họa cho câu chuyện đó.
DẠY VẼ CHO BÉ - 6 BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP VẼ
Ảnh: Phatvebautroi

5.2 Kết nối với khoa học

  • Vẽ về thiên nhiên: Hướng dẫn trẻ vẽ các loài động vật, thực vật, hoặc các hiện tượng thiên nhiên. Thông qua đó cung cấp kiến thức cho trẻ về thế giới tự nhiên quanh mình.
  • Thí nghiệm màu sắc: Thực hiện các thí nghiệm đơn giản về màu sắc và ánh sáng, tạo hình núi lửa bằng bột mì và nước với núi lửa phun trào bằng giấm và baking soda. Hoặc các hiệu ứng màu thực phẩm, nước sửa chén và sữa, …

5.3 Dẫn dắt qua trò chơi, hoạt động vận động:

  • Trò chơi tập thể: Các trò chơi vẽ chuyền theo nhóm, vẽ đoán từ khoá qua miêu tả của người bạn, vẽ nối (mỗi bạn vẽ một bộ phận của nhân vật), … cũng là những trò chơi giúp các lớp tương tác với nhau.
  • Hoạt động vận động: Có thể diễn ra đầu giờ hoặc giữa giờ, có thể kết hợp với âm nhạc hay các bài nhảy trên Youtube dành cho trẻ em. Ví dụ trò chơi chuyển động chậm, trò chơi tạo hình cơ thể bạn bè, …
DẠY VẼ CHO BÉ - 6 BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP VẼ
Ảnh: Phatvebautroi

6. Tạo sự gắn kết giữa giáo viên và trẻ

Một mối quan hệ gắn kết, thân thiện, vui vẻ giữa giáo viên và trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và hứng thú sáng tạo trong giờ học vẽ.

6.1 Lắng nghe và hiểu trẻ

  • Lắng nghe: Lắng nghe ý kiến và ý tưởng của trẻ, đồng thời đưa ra phản hồi tích cực, cởi mở từ phía giáo viên. Bạn có thể kể cho trẻ nghe bằng chính những câu chuyện hay trải nghiệm thực tế của mình kể cả những điều ngớ ngẩn mà mình từng làm, điều đó đôi khi mang lại sự hài hước, tiếng cười cần thiết trong lớp học.
  • Hiểu sở thích của trẻ: Tìm hiểu về sở thích và đam mê của trẻ, những phim hoạt hình hay nhân vật mà trẻ yêu thích để điều chỉnh bài học phù hợp với các sở thích chung của trẻ, tuy nhiên thông qua các sở thích đó, bạn cũng cần điều hướng trẻ khám phá sang những lĩnh vực khác để mở rộng sự quan sát và khả năng tưởng tượng cho trẻ.

6.2 Tạo hoạt động làm việc nhóm

Tổ chức các hoạt động làm việc nhóm để trẻ học cách làm việc cùng nhau, chia sẻ ý tưởng và học hỏi từ nhau. Thông qua các tranh cãi hay xung đột trong nhóm, thầy cô sẽ có thêm cơ hội để trò chuyện và giáo dục trẻ về các loại hành vi.

Kết Luận

Thu hút và tạo được sự hấp dẫn cho trẻ em trong giờ học vẽ không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo và kiên nhẫn từ phía giáo viên, mà còn cần sự linh hoạt và tâm huyết với môn học này. Bằng cách tạo ra một môi trường học tập thân thiện, sử dụng công nghệ hỗ trợ, khích lệ và động viên trẻ, cũng như kết nối nghệ thuật với các hoạt động khác, bạn sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú và đam mê hơn với nghệ thuật vẽ.

Hãy nhớ rằng, mỗi đứa trẻ đều có khả năng sáng tạo riêng và việc khuyến khích, tôn trọng sự sáng tạo đó sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và tự tin hơn trong cuộc sống của mình.

Trên đây là những quan điểm từ PhatVeBauTroi về DẠY VẼ CHO BÉ – BÍ QUYẾT THU HÚT TRẺ TRONG LỚP HỌC VẼ, hi vọng góc nhìn của tôi hữu ích trong việc tự học vẽ của bạn.

Nếu có những chia sẻ khác hay thắc mắc, vui lòng để lại dưới phần bình luận nhé!

Thân mến,

PhatVeBauTroi

<3

Để lại một bình luận

Giỏ hàng
Lên đầu trang