CÁCH TRÒ CHUYỆN VỚI TRẺ EM VỀ CÁI CHẾT

CÁCH TRÒ CHUYỆN VỚI TRẺ EM VỀ CÁI CHẾT

Trò chuyện với trẻ em về cái chết có thể là một vấn đề mà nhiều người lớn có khuynh hướng né tránh đề cập.

Tuy nhiên, cái chết là lại một phần không tránh khỏi của cuộc sống, và đề cập để diễn giải về cái chết cho con trẻ hiểu và cảm thấy thoải mái khi các bé muốn thảo luận về nó là trách nhiệm của người lớn chúng ta.

Tranh PhatVeBauTroi thực hiện cho studio Stupinko

Cho phép trẻ được trò chuyện với người lớn về cái chết là cơ hội để người lớn cung cấp đầy đủ kiến thức cần thiết, chuẩn bị về mặt tâm lý cho con nếu có biến cố xảy ra và nâng đỡ tinh thần khi con suy sụp. Trong điều kiện người lớn cũng đủ mở lòng và vững tâm lý, hãy “mở đường” cho cuộc hội thoại, khuyến khích trẻ trải lòng bằng việc để tâm đến cảm xúc của trẻ và tôn trọng những gì trẻ muốn biểu đạt.

Tranh PhatVeBauTroi thực hiện cho studio Stupinko

Cái chết cũng là một phần của sự sống.

Người lớn chúng ta có thể ngạc nhiên nếu biết nhiều đứa trẻ cũng đủ nhận thức để hiểu về cái chết là gì.

  • Trẻ em đối mặt với sự chết đi qua việc nhìn thấy chim chóc hay côn trùng chết trên đường đi học hay khi đi chơi.
  • Trẻ con đọc và xem về cái chết trong những câu chuyện cổ tích và những thước phim hoạt hình, khi người mẹ ruột của công chúa qua đời, để lại công chúa cho người mẹ kế nuôi dưỡng.
  • Thậm chí ở những vở kịch mà các bé tham gia ở trường, có những vai diễn có sự tham gia của việc một ai đó mất đi mà các bé vô tình vào vai.

Trẻ đã sớm biết về cái chết trước khi thật sự hiểu về nó.

Những vấn đề khiến việc trò chuyện với trẻ em về cái chết trở nên khó khăn: 

1. Người lớn chúng ta có khuynh hướng né tránh nói về những gì làm chúng ta buồn đau.

Chúng ta nén chặt cảm xúc bên trong lòng và hy vọng rằng bằng việc không đề cập đến những cảm xúc đó, mọi vấn đề sẽ tự động được giải quyết.

Tuy còn nhỏ, nhưng nhiều bé rất nhạy cảm và có khả năng quan sát tuyệt vời. Các bé có thể sớm nhận ra có điều gì đó không ổn ở những người lớn xung quanh chỉ đơn giản bằng cách quan sát cách mà người lớn hành động. Ngôn ngữ cơ thể, cảm xúc biểu thị qua cơ mặt, những lời chúng ta nói hay không nói cũng được giao tiếp như một thông điệp đến những đứa trẻ.

Khi người lớn chọn không thảo luận về một vấn đề nào, thì trẻ cũng tự nhiên thấy chần chừ khi muốn hỏi về chủ đề đó. Trẻ sẽ tự nghĩ trong đầu rằng “Nếu ba mẹ quá buồn phiền để kể với mình chuyện gì thì chắc mình cũng không nên hỏi tới nữa… nếu mình hỏi thì sẽ không hay!”

Điều này làm bé càng thêm áp lực và lo lắng hơn.

2. Người lớn cảm thấy không thoải mái khi không thực sự biết hết câu trả lời.

Trẻ em luôn mặc định người lớn biết tất cả và có câu trả lời cho mọi câu hỏi chúng đặt ra, thậm chí chúng còn mặc định người lớn hiểu rất rõ về cái chết. Hãy xem đó như một lời khen và hãy hiểu rằng bọn trẻ rất tin tưởng và ngưỡng mộ người lớn chúng ta.

Cũng không sao nếu ta nói với trẻ rằng “Bố/mẹ cũng không rõ nữa con à!” hay “Bố/mẹ không có câu trả lời cho con rồi!”. Cách mà trẻ phản hồi lại với những câu trả lời chân thành đó của bạn sẽ làm bạn bất ngờ đấy, vì chúng sẽ đón nhận câu trả lời của bạn và cảm thấy một sự kết nối qua sự cởi mở của phụ huynh.

Việc bạn không có câu trả lời và cởi mở về nó giúp trẻ cảm thấy khá hơn về việc chính các bé cũng không có câu trả lời cho mọi thứ xung quanh chúng.

Khi thảo luận về cái chết, chính người lớn cũng sẽ cần tìm ra những câu trả lời khác nhau, những niềm tin khác nhau trên những chặng đường chữa lành của bản thân. Hãy chia sẻ điều đó với trẻ em và cho chúng tiếp cận với niềm tin và suy nghĩ của những người khác không phải mình.

Lấy ví dụ: có nhiều người tin về kiếp sau, trong khi vài người khác thì không tin vào điều đó. Hãy cho phép trẻ được quyền thoải mái với niềm tin của cha mẹ và trẻ cũng có tuyền thoải mái lựa chọn niềm tin của chính mình.

3. Cái chết không phải là điều cấm kị để bàn luận.

Trong vài nền văn hoá trên thế giới, cái chết là một phần không thể tách rời trong đời sống gia đình hằng ngày.

Người già qua đời khi tuổi già hay sau cơn bạo bệnh trong nhà, vây quanh trong vòng tay của những người thân trong gia đình. Họ an ủi nhau và tiếc thương cùng nhau.

Thật là một điều đáng buồn khi ngày nay cái chết có thể xảy ra ở những hoàn cảnh cô đơn hơn rất nhiều. Nhiều người chết đi một mình mà không có người thân bên cạnh để ủi an những giây phút cuối đời. Cái chết vì thế cũng trở thành một phần tách rời ra khỏi sự sống, hệ quả là cái chết cũng thành một điều gì đó huyền bí, đáng sợ hơn.

Bằng cách đề cập và thảo luận với trẻ về cái chết một cách cởi mở, chúng ta sẽ biến cái chết trong mắt trẻ em không còn là điều gì đáng sợ hay khó khăn để chấp nhận.

Điều hướng hành vi của trẻ về cái chết, lấy ví dụ như việc dạy trẻ cách bày tỏ sự cảm thông tới người vừa mất đi một người thân trong gia đình họ, bằng cách hướng dẫn trẻ cách bày tỏ thái độ và cảm xúc sao cho phù hợp. Cho trẻ thấy rằng việc công nhận sự mất mát và bày tỏ sự quan tâm đến người khác là một hành động của sự tử tế.

Các giai đoạn phát triển của sự thấu hiểu và cảm thông.

  • Giai đoạn mẫu giáo: đa phần trẻ ở giai đoạn này sẽ thấy cái chết như một điều tạm thời, tức người chết có thể sống lại, và cũng không lấy làm buồn lòng vì trẻ nghĩ đó là điều khách quan. Trong nhiều câu truyện bé được kể ở trường, người chết bỗng nhiên sống dậy hết lần này đến lần khác nhau rất nhiều lần chết đi. Vậy nên cũng không có gì là đáng ngạc nhiên khi trẻ không hiểu biết, suy nghĩ như vậy là phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
  • Ở độ tuổi từ 5 tuổi đến 9 tuổi, đa phần các bé sẽ có sự tiếp xúc bằng cách hay cách khác với sự qua đời hay mất đi của một điều gì đó hay ai đó. Các bé sẽ bắt đầu nhận ra mọi vật và mọi người trên đời này điều hữu hạn, rằng cái chết sẽ xảy ra và cái chết là điểm tận cùng. Các bé có xu hướng không cảm thấy cái chết có liên quan đến bản thân và cho rằng các bé có thể né tránh cái chết. Các hình ảnh cụ thể mà các bé có thể gán ghép được về cái chết là bộ xương người, hay cái đầu lâu, v.v… Một vài trẻ có thể gặp ác mộng với những hình ảnh đề cập.
  • Từ 9 tuổi đến tuổi vị thành niên: trẻ bắt đầu có sự hiểu biết đầy đủ về cái chết, và khi chết là hết, rằng một ngày nào đó, con người và bao gồm cả chính các bé sẽ chết đi.

Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ sẽ phát triển sự hiểu biết khác nhau và trải nghiệm về sự hiểu và biết của mỗi bé là độc nhất. Chúng có cách riêng của chúng để giải quyết và bày tỏ cảm xúc của mình.

Không có gì lạ khi một đứa trẻ ba tuổi bắt đầu tò mò hỏi về cái chết, hay khi bày tỏ sự không quan tâm về sự qua đời của ông bà mà lại thấy đau đớn khi vật nuôi thân cận với bé chết đi. Vài đứa trẻ thể hiện sự hiểu biết của mình về cái chết qua việc chơi với đồ chơi của mình.

Tranh PhatVeBauTroi thực hiện cho studio Stupinko

Hãy giải thích cái chết bằng những thuật ngữ, từ ngữ đơn giản cho trẻ dễ hiểu và biết. Ví dụ, khi ai đó qua đời, họ không còn thở, không còn ăn, không còn cảm thấy đói hoặc lạnh, và bé sẽ không thể gặp lại họ nữa.

Cho dù trẻ em có thể đương đầu với cái chết hay bày tỏ cảm xúc của mình như thế nào đi nữa thì cũng cần người lớn chúng ta đáp lại một cách trân trọng và không phán xét. Lắng nghe và quan sát cẩn thận phản ứng của các bé là những cách quan trọng để học cách phản ứng phù hợp với trẻ nhỏ.

Nói về cái chết với trẻ mẫu giáo và trẻ nhỏ.

Nhiều người cảm thấy khá thử thách khi nói về cái chết với trẻ nhỏ. Họ đặc biệt cần một cách nói nào đó đơn giản, ngắn gọn và súc tích. Sử dụng các ví dụ cụ thể và quen thuộc có thể là một giải pháp.

Lấy ví dụ: cái chết có thể được giải thích rõ ràng hơn theo định nghĩa sự vắng mặt trong các sinh hoạt gia đình hằng ngày – khi một người qua đời, họ sẽ không còn thở, ăn uống, nói chuyện, suy nghĩ hay bày tỏ cảm xúc nữa; khi bé cún qua đời, nó sẽ không còn sủa hay chạy nhảy quanh nhà nữa; bông hoa khi héo và chết đi sẽ không còn có thể nở lại được nữa.

Tranh PhatVeBauTroi thực hiện cho studio Stupinko

Trẻ em học điều gì đó thông qua sự lặp đi lặp lại vì thế trẻ có thể cần được giải thích một vài lần cho đến khi thật sự nắm bắt được vấn đề đó. Trong quá trình được giải thích để học về cái chết, vái bé có thể ngay lập tức hỏi thêm các câu hỏi trong khi cũng có bé chỉ im lặng tiếp thu rồi hỏi thêm câu hỏi sau.

Nhiều bé sẽ cảm thấy bối rối với những gì chúng được giải thích, vì vậy việc kiểm tra sự hiểu biết của bé là quan trọng bằng việc đề cập lại vấn đề ở những thời điểm phù hợp.

Khi trẻ có thêm nhiều trải nghiệm trong quá trình lớn lên, trẻ sẽ cần những giải thích, chia sẻ sâu sắc và phù hợp hơn.

Trẻ sẽ cần nhiều thời gian để hiểu toàn diện tác động về mặt cảm xúc và hậu quả mà cái chết mạng lại. Một đứa trẻ có thể biết rằng người cậu trong nhà đã qua đời nhưng vẫn hay hỏi người cô rằng vì sao cô lại hay khóc. Đứa bé đó cần câu trả lời rằng “Cô khóc vì cô buồn khi cậu đã qua đời. Cô nhớ cậu rất nhiều. Ai cũng buồn khi người mình yêu thương mất đi.”

Cũng có lúc người lớn chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc hiểu những gì trẻ hỏi. Một câu hỏi có thể bị người lớn cho là vô duyên nhưng đối với trẻ nó lại là một lời yêu cầu cho sự trấn an, lấy ví dụ như khi trẻ hỏi “Khi nào bố chết đi?” thì hãy hiểu trẻ hỏi câu hỏi đó bởi vì trẻ chỉ coi cái chết là tạm thời.

Trong khi sự vĩnh viễn của cái chết vẫn chưa được hiểu đầy đủ, một đứa trẻ có thể nghĩ rằng cái chết đồng nghĩa với sự chia ly, sự xa cách khỏi bố mẹ, mà nếu mất đi sự chăm sóc quan tâm của bố mẹ, thì quả là điều đáng sợ.

Được quan tâm chăm sóc và một mối quan tâm thiết thực, và trẻ em cần được trấn an rằng nó sẽ luôn được chăm sóc dù thế nào đi nữa.

Cách tốt nhất để trả lời một câu hỏi của trẻ đôi khi lại là bằng một câu hỏi ngược lại trẻ: “Con có cảm thấy lo lắng rằng bố/mẹ không ở đây để chăm sóc con mỗi ngày không?” Nếu đó là trường hợp được nói đến, câu trả lời phù hợp nhất là “Bố/mẹ không nghĩ bố/mẹ sẽ qua đời ngay lúc này. Bố/mẹ nghĩ bố/mẹ sẽ sống thật lâu cùng con và chăm sóc cho con. Nhưng nếu bố có không may qua đời, thì con vẫn còn có mẹ, có bác, cô, cậu, … chăm sóc con nè!”

Cũng khá quan trọng khi cân nhắc sử dụng từ ngữ trong việc giải thích về cái chết với trẻ nhỏ. Có nhiều bé nhầm lẫn nghĩ cái chết là giấc ngủ, đặc biệt là khi trẻ được người lớn giải thích về cái chết với những từ liên quan đến giấc ngủ như “người đó chết trong lúc ngủ”, “giấc ngủ vĩnh hằng”, “yên nghỉ”.

Kết quả của sự nhầm lẫn này là trẻ có thể sẽ sợ đi ngủ, sợ bố/mẹ ngủ rồi sẽ không tỉnh dậy nữa. Tương tự, nếu trẻ được dạy là ai đó “ra đi và chưa thể trở về”, trẻ sẽ luôn sợ có thể mẹ đi làm hay đi chợ mà không thể quay về. Vì thế việc né những từ như “ngủ”, “yên nghỉ” hay “ra đi” là quan trọng khi thảo luận với trẻ về cái chết.

Tranh PhatVeBauTroi thực hiện cho studio Stupinko
Tranh PhatVeBauTroi thực hiện cho studio Stupinko

Để tránh những nhầm lẫn trên khi giải thích về cái chết với trẻ mẫu giáo và trẻ nhỏ, cần giải thích rằng chỉ những bệnh rất nặng mới có thể gây tử vong như ung thư giai đoạn cuối. Khi trẻ nghe nói rằng bệnh tật là nguyên nhân của cái chết, người lớn cũng sẽ cần giải thích thêm rằng những căn bệnh nhẹ không là nguyên nhân gây ra mối lo ngại lớn.

Khi một đứa trẻ liên tưởng cái chết với tuổi già, trẻ có thể trở nên bối rối khi biết rằng người trẻ cũng có thể chết qua báo chí hay thông tin đại chúng. Điều quan trọng cần giải thích với trẻ rằng hầu hết mọi người đều sống lâu, nhưng có một số người thì không thể như thế. Tuy nhiên, con người chúng ta ai cũng thực sự mong đợi rằng chúng ta sẽ sống rất lâu! Hãy luôn trấn an trẻ như thế.

Tham khảo về mặt tôn giáo.

Tôn giáo là điểm tựa tinh thần cho nhiều người trong lúc đau buồn. Tuy nhiên, nếu tôn giáo không hiện hữu trong đời sống tinh thần của trẻ trước khi đối mặt với cái chết, thì việc nghe những tài liệu liên quan đến tôn giáo có thể khiến trẻ bối rối và lo lắng. Ví dụ, lời giải thích “Bây giờ ông ngoại đang ở với Chúa” có thể an ủi người lớn nhưng lại khiến trẻ sợ hãi.

Trẻ có thể sợ Chúa sẽ đến và mang bé đi như Ngài đã làm với ông. Đảm bảo rằng con bạn có sự liên kết với các thuật ngữ được dùng trong quá trình tìm hiểu về cái chết để chúng cảm thấy quen thuộc và có thể hiểu được. 

Những thông điệp tôn giáo khác có thể khiến trẻ băn khoăn và bối rối, bao gồm những câu như “Bác của con đã hạnh phúc trên thiên đường cùng các thiên thần”. Trẻ có thể thắc mắc tại sao mọi người lại không được vui khi người ta nói rằng bác đang hạnh phúc. Trẻ cần được cảm nhận và biết về nỗi buồn khi mất đi người bác bên cạnh những cách bày tỏ của chúng ta về đức tin tôn giáo.

Điều quan trọng là giúp trẻ hiểu được thực tế của cái chết, sự mất mát và đau buồn. Cố gắng che chở trẻ khỏi những điều thực tế về sự chết đi chỉ khiến chúng không có cơ hội bày tỏ cảm xúc và được an ủi. Chia sẻ cảm xúc giữa người lớn và trẻ nhỏ là điều mang lại lợi ích cho cả hai.

Những cơ hội khác để nói về cái chết

Trẻ em có xu hướng cực kỳ tò mò khi phát hiện ra cái chết: hoa chết héo, chim chết, cây cối và côn trùng chết. Điều này có thể mở ra cơ hội để thảo luận sâu hơn về cái chết và để trả lời tất cả các câu hỏi chi tiết có thể nảy sinh về cái chết. Cố gắng bình thường hoá sự chết, củng cố khái niệm rằng tất cả các sinh vật sống cuối rồi cũng sẽ chết đi, đồng thời cái chết tạo cơ hội cho những sinh vật sống mới khác một khởi đầu mới trên trái đất này.

Những người nổi tiếng qua đời và đám tang của họ xuất hiện trên truyền thông là một trong những cơ hội để thảo luận về cái chết với trẻ. Đây là thời điểm tự nhiên để làm sáng tỏ mọi hiểu lầm mà trẻ có thể có về cái chết. Tuy nhiên, nếu cái chết đó kết quả của bạo lực, bạn cần trấn an con mình rằng chúng được bảo vệ an toàn và hầu hết mọi người không cư xử như vậy với nhau. 

Tham dự đám tang.

Nếu con bạn sắp tham dự một đám tang, trẻ cần phải chuẩn bị về mặt tinh thần trước ở nhà về những gì chúng có thể nhìn thấy và nghe thấy trước, trong và sau lễ tang. Giải thích với trẻ rằng đây là một dịp rất buồn, và một số người sẽ khóc, và những người khác sẽ cảm thấy rất buồn.

Thu xếp một chỗ ngồi cho trẻ gần bố, mẹ hay người thân quen trong gia đình, người mà bạn tin tưởng có thể giải đáp các câu hỏi của trẻ và sẵn sàng đưa ra lời giải thích phù hợp. Nếu trẻ không muốn tham dự đám tang thì người lớn không được ép buộc mà hãy lắng nghe và thực hiện nguyện vọng không tham dự tang lễ của trẻ, vì có thể trẻ chưa sẵn sàng chứng kiến sự chết.

Sự đau buồn.

Tất cả chúng ta đều cần phải trải qua nỗi đau buồn để chữa lành vết thương lòng và bước tiếp trong cuộc sống. Bằng cách cởi mở với những cảm xúc của mình, thể hiện nỗi buồn và nước mắt của mình, chúng ta sẽ bày tỏ với con trẻ rằng việc nếu trẻ cũng cảm thấy buồn và cần khóc để giải toả nỗi đau là điều bình thường và cần thiết. Chúng ta không bao giờ nên gắn liền việc khóc, đau buồn, hay rơi nước mắt đồng nghĩa với việc bày tỏ cảm xúc với sự yếu đuối. Hãy nhớ điều này.

Sẽ có trẻ cảm thấy tội lỗi và tức giận, bất lực khi mất đi một người thân trong gia đình. Trong trường hợp trên, trẻ cần được đảm bảo rằng sự mất đi của người thân đó không phải là lỗi của trẻ hay là điều gì trẻ có thể kiểm soát được, rằng trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục được yêu thương và chăm sóc.

Tóm lại.

Một đứa trẻ đang đau buồn cần được giải thích về cái chết tuỳ vào độ tuổi và khả năng hiểu biết của trẻ. Trẻ cần rất nhiều sự trấn an rằng trẻ được yêu thương và cảm nhận được sự an toàn khi muốn thảo luận cởi mở về cảm xúc của mình. Trẻ cần duy trì các hoạt động và sở thích của mình theo ý thích và phụ huynh nên thường xuyên đề cập hay thảo luận lại lại các câu hỏi của trẻ về cái chết ở những thời điểm phù hợp. 

Khi chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước một cái chết báo trước của người thân trong gia đình, hãy cho phép trẻ được có cơ hội giúp chăm sóc người thân đang hấp hối nếu trẻ mong muốn được làm thế.

Hãy cho trẻ nhiều tình thương và trả lời những câu hỏi mà trẻ có một cách chân thành, cho trẻ những thông tin cần được biết về tình trạng sức khoẻ hiện tại, cảm xúc, và tình trạng trí lực của người thân đang bệnh nặng, đồng thời cũng cân nhắc cho trẻ nhỏ sự lựa chọn được thăm bệnh hay không thăm bệnh nếu trẻ có mong muốn và câu trả lời là có hay không cho việc chăm sóc người bệnh.

Hãy tôn trọng sự lựa chọn của trẻ.

Tranh PhatVeBauTroi thực hiện cho studio Stupinko

Trên đây là những chưa sẻ về cách trò chuyện với trẻ em về cái chết dành cho các bậc cha mẹ dành cho con trẻ của mình. Hi vọng điều này hữu ích cho bạn đọc trong hành trình nuôi nấng và giáo dục con.

Nếu có những chia sẻ, hãy tham gia bình luận ngay dưới bài viết này nhé!

Thân mến,

PhatVeBauTroi


Nguồn bài dịch: How to Talk to Kids About Death

Tranh vẽ được thực hiện trên iPad bởi PhatVeBauTroi.

Đừng bỏ qua: 10 LỢI ÍCH KHI VẼ SÁNG TẠO TRÊN IPAD (Bạn chưa từng biết đến)

Để lại một bình luận

Giỏ hàng
Lên đầu trang