BỐ MẸ HIỂU CON QUA TRANH VẼ CỦA TRẺ

Trước đây trong một sự kiện mà PhatVeBauTroi từng tham gia, một vài phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi 6-10 tuổi đã đặt câu hỏi:

  • “Vì sao con chị chỉ thích vẽ hình ảnh rất nhỏ ở góc của tờ giấy và không muốn người khác nhìn thấy?”
  • “Vì sao khi vẽ ở nhà con lại có xu hướng chỉ dùng màu đỏ?”

Các bậc cha mẹ có từng bao giờ nhìn vào tranh vẽ của con mình và tự hỏi rằng: “Vì sao tranh vẽ của con mình có sự khác biệt với những đứa trẻ khác? Chúng đã nghĩ gì và có cảm xúc gì khi vẽ những bức tranh này?”

Tất cả những gì trẻ vẽ vào trang giấy hoàn toàn không ngẫu nhiên, ở mỗi khoảnh khắc chúng chọn dùng màu sắc gì hay vẽ ra hình ảnh gì đều có lý do và cảm xúc dẫn đến, thậm chí chính trẻ cũng không tự nhận thức được sự lựa chọn của mình. Tất cả những điều đó bắt nguồn từ trí tưởng tượng, kết hợp với trải nghiệm sống thực tế của trẻ, chính vì vậy, đó chính là một cơ hội để bố mẹ hiểu con mình hơn thông qua tranh vẽ của trẻ, từ đó giúp ích cho hành trình nuôi nấng con khôn lớn của mình.

Khi vẽ, trẻ sử dụng trí tưởng tượng phong phú kết hợp với những hiểu biết của chúng trên thực tế qua quan sát gia đình, bạn bè, phim ảnh, truyện đọc, … Bạn có thể hiểu rằng, mỗi lời nói mà chúng ta nói với trẻ đều hình thành nên suy nghĩ và nhận thức của chúng, mỗi bộ phim hay câu chuyện được xem, mỗi người bạn chơi cùng, … cũng đều là trải nghiệm sống và đều có ảnh hưởng đến tư duy và hành vi của trẻ.

Tất cả những điều đó sẽ hình thành các quyết định của trẻ khi vẽ tranh.

Đó là lý do vì sao tranh vẽ của trẻ em đều khác biệt so với trẻ khác, bởi vốn trải nghiệm của mỗi đứa trẻ luôn luôn khác biệt với nhau.

BỐ MẸ HIỂU CON QUA TRANH VẼ CỦA TRẺ
Hình minh hoạ – Tranh vẽ của học viên trong lớp học PhatVeBauTroi

Khác với người lớn khi vẽ, người lớn thường suy nghĩ nhiều về tính đúng/ sai, họ cũng đặt kỳ vọng cao về sự xấu/ đẹp, điều đó dẫn đến sự thận trọng trong quyết định khi vẽ, đôi khi nỗi sợ làm sai hay bị đánh giá cũng là những rào cản khiến người lớn từ chối thể hiện ý tưởng của mình trong tranh.

Những với trẻ em thì khác, trẻ có sẵn tự do khi vẽ, trẻ vẽ những điều mình có thể nghĩ tới bên trong, hay những điều xảy đến với chúng trong cuộc sống, điều đó khiến cho tranh vẽ của trẻ trở nên thú vị, và dễ hiểu. Do đó, qua tranh mà trẻ vẽ, các bậc cha mẹ có thể phân tích được câu chuyện và cảm xúc của con mình nhiều hơn, đôi khi còn có cả những khó khăn trong cuộc sống của chúng.

Tuy nhiên, người lớn không cần bận tâm về tranh chúng vẽ trong nhiều trường hợp vì thi thoảng trẻ vẫn vẽ một cách nghệch ngoạc, nghịch ngợm hay không có nội dung, có thể đơn thuần chúng chỉ bày trò chơi vui trên tranh vẽ.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập tới những bức tranh có ý nghĩa được thực hiện dựa trên ý tưởng riêng và không có sự can thiệp từ người lớn, cũng như những chi tiết, dấu hiệu nào để cha mẹ biết rằng trường hợp nào nên hoặc không nên quan tâm đến tranh vẽ của con mình.

>>> ĐỪNG BỎ QUA: 4 DÒNG IPAD DÙNG ĐỂ VẼ CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

1/ KHI TRẺ THƯỜNG VẼ CHÂN DUNG GIA ĐÌNH MÌNH

  • Trước đây trong một giờ học vẽ, PhatVeBauTroi đã từng ra yêu cầu học viên nhỏ tuổi của mình vẽ về gia đình. Một trong những học viên 9 tuổi trong lớp khi đấy đã vẽ nhiều lần vẽ cảnh bị mẹ mắng khi bạn mang điểm số thấp từ trường học về nhà. Khi hỏi, được biết ở nhà mẹ của bé rất nghiêm khắc với việc học hành và bé thường xuyên bị mẹ mắng vì điểm số thường xuyên không cao của mình.
  • Tiến sĩ Martin T. Stein, nhà tâm lý học trẻ em đã viết một bài báo cho tạp chí Parents kể về trải nghiệm của bản thân ông khi dùng những tranh vẽ về gia đình trẻ để hiểu hơn về những bệnh nhân nhỏ tuổi của mình. Trong một ví dụ mà tiến sĩ trích dẫn, một bệnh nhân 11 tuổi của ông đã vẽ một bức tranh với hình ảnh của chính bạn nhỏ cùng mẹ của mình ở cạnh nhau cùng với một sợi dây giữa tay của hai nhân vật thể hiện sự kết nối. Qua tranh vẽ, tiến sĩ có thể nhìn thấy sự quan trọng của người mẹ đối với bạn nhỏ này. Bạn nhỏ 11 tuổi này lớn lên với sự yêu thương của chỉ người mẹ và đồng thời gặp khó khăn với việc kết bạn với xung quanh. Bức vẽ này là một phát hiện đột phá của tiến sĩ Martin T. Stein, nó giúp ông khiến cho người mẹ hiểu con gái của mình nhiều hơn và cảm nhận được sự gắn bó của bạn nhỏ với mẹ lớn hơn tất cả những điều quan trọng khác, thậm chí điều đó trở thành rào cản của cô bé khi kết nối với những mối quan hệ khác trong cuộc sống của mình.
  • Tiến sĩ Roger Mills-Koonce gần đây đã thực hiện một nghiên cứu kết hợp với Bharathi Zvara tại UNC-Chapel Hill, trong đó tất cả trẻ em được yêu cầu vẽ lại gia đình mình bằng bút dạ trên giấy, hầu hết trẻ nhanh chóng hoàn thành tác phẩm của mình trong vòng 10 phút. Các nhà khảo sát/nghiên cứu phát hiện ra rằng những trẻ đã vẽ bản thân mình cách xa cha mẹ, và hình vẽ chính mình cũng vẽ với kích thước rất nhỏ trên trang giấy thì có khả năng cao các bé sống trong môi trường gia đình bất ổn, ồn ào, chật chội, bừa bộn và thiếu sự nề nếp. Khi một ngôi nhà ngập tràn sự hỗn loạn, cha mẹ không thể dành thời gian cho con để cùng con tận hưởng niềm vui trong cuộc sống hoặc trong những giờ chơi của con. Kết quả dẫn đến trẻ em dần hình thành cảm giác thua kém về bản thân, đó là lý do tại sao chúng vẽ chính mình cực kỳ nhỏ bé và xa cách với các thành viên khác trong gia đình. Tiến sĩ Mills-Koonce thận trọng không đổ lỗi cho cha mẹ về những vấn đề này, và thay vào đó, quy cho gốc rễ của vấn đề là những yếu tố thường không thể kiểm soát, chẳng hạn như gia cảnh khó khăn, nghèo đói hoặc thiếu thốn vật chất.

Khi một đứa trẻ vẽ ra một bức tranh về gia đình mình, người lớn sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin đáng chú ý trong đó, chẳng hạn như mối quan hệ của trẻ với bố mẹ, cảm giác của trẻ khi sống ở nhà, trẻ thích hay ghét điều gì nhất trong ngôi nhà mình, … Vậy khi nhìn qua những chi tiết hay câu chuyện trong tranh vẽ, chúng ta có thể lý giải được suy nghĩ và cảm nhận của trẻ về gia đình mình.

BỐ MẸ HIỂU CON QUA TRANH VẼ CỦA TRẺ
Hình minh hoạ – Tranh vẽ của học viên trong lớp học PhatVeBauTroi

Đối với những tranh vẽ của trẻ có thể hiện đầy đủ mọi thành viên trong gia đình với tính cách và ngoại hình khác biệt, điều đó chứng tỏ trẻ có khả năng hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt, nhận định được sự hiện diện của từng người trong gia đình mình.

Đôi khi trẻ cũng sẽ thể hiện quan điểm về các thành viên trong nhà mình qua kích thước nhân vật trong tranh chúng vẽ, ví dụ khi bạn thấy một nhân vật có kích thước lớn hơn nhiều so với những nhân vật khác trong cùng gia đình, hãy thử đặt câu hỏi cho trẻ xem nhân vật đó có phải trụ cột của gia đình hay không.

Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp, tranh của trẻ không dùng để thưởng thức, thay vào đó, bạn hãy dùng nó để hỏi. Bởi kỹ năng vẽ của trẻ không dựa theo độ tuổi, mà dựa theo trải nghiệm vẽ của mỗi trẻ, nên trong trường hợp nếu bạn không thực sự hiểu được nội dung của tranh vẽ, hãy đặt câu hỏi cho chính tác giả. Câu trả lời của trẻ chính là những suy nghĩ hay cảm xúc của trẻ mà bạn muốn biết qua bức tranh.

2/ KHI TRẺ VẼ TRANH CHÂN DUNG CỦA CHÍNH MÌNH

PhatVeBauTroi đã từng chứng kiến nhiều học viên trong lớp học của mình vẽ hình ảnh chính mình lặp đi lặp lại qua nhiều bức tranh. Thông qua đó, tôi có thể hiểu được màu sắc hay kiểu tóc mà trẻ thích, kèm theo đó tôi con quan sát được những câu chuyện diễn ra xung quanh cũng như cách mà trẻ cảm nhận về bản thân và chân dung tổng thể của chính mình.

Kích thước của hình vẽ cũng nói lên nhiều điều ở trẻ, kích thước của hình vẽ và việc nhấn mạnh nét vẽ một số bộ phận cơ thể so hơn các bộ phận khác đều cũng có thể là những dấu hiệu cho thấy con bạn có thể có quan điểm hay sự nhìn nhận nào đó về bản thân như sự tự tin hay tự ti, sự tự do hay một lo lắng nào đó, … . Ngoài ra, những đứa trẻ thường xuyên vẽ mình với biểu cảm buồn bã cũng có thể đang gặp phải những khó khăn hay cảm xúc tệ trong cuộc sống của mình.

Đừng bỏ qua: TOP 8 LỢI ÍCH CỦA LỚP HỌC VẼ CHO TRẺ EM (bạn nên biết)

3/ KHI TRANH VẼ CỦA TRẺ CÓ NỘI DUNG VỀ CÁC BỘ PHẬN NHẠY CẢM HAY VẤN ĐỀ BẠO LỰC

Người lớn sẽ cảm thấy rất lo lắng nếu như nhìn thấy một đứa trẻ vẽ hình ảnh người phụ nữ kèm theo bộ phận sinh dục hoặc một điều gì đó tương tự lên giấy.

Bạn hãy bình tĩnh, bởi trẻ em học hỏi và thu thập thông tin thông qua sự tò mò của mình, vì vậy có thể chúng sẽ vô tình vẽ ra những điều không được cho phép và không phù hợp với lứa tuổi. Khi nhận thấy điều đó, người lớn hãy xem xét chúng hiểu biết những điều đó từ đâu, có thể từ phim ảnh, truyện, từ bạn bè hay từ một nguồn nào khác, … để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, chính điều đó cũng là một cơ hội tốt để bố mẹ đặt câu hỏi và trò chuyện cùng con, giúp trẻ hiểu hơn để không dẫn đến hành vi nào lệch lạc trong tương lai.

Một chuyên gia kể lại rằng cách đây nhiều năm khi trong độ tuổi tiểu học, ông đã thường kể cho mẹ nghe về một người bạn ngồi cạnh trong lớp học thường xuyên vẽ những hình vẽ về súng ống và cảnh đánh nhau. Về sau nhờ mạng xã hội, ông đã thấy người bạn đó lớn lên thành một người trưởng thành bình thường và chưa bao giờ sử dụng bạo lực để làm hại bất kỳ ai.

Vì vậy, dù ông đã khiến mẹ mình lo lắng khi kể cho bà nghe về người bạn thích súng ống ngồi cạnh ông trong lớp, nhưng hoá ra trên thực tế người bạn này không hề có hành vi bạo lực chút nào.

Việc một đứa trẻ vẽ thứ gì đó mang tính bạo lực không phải là điều bất thường, thậm chí có thể xem nó là điều bình thường. Tất nhiên nếu chứng kiến điều đó, điều quan trọng là bố mẹ phải cùng ngồi thảo luận về những bức tranh đó cùng con, để tôn trọng sở thích vẽ của con, và cũng để con hiểu và tránh dẫn đến những hành động bạo lực thật sự trong cuộc sống.

BỐ MẸ HIỂU CON QUA TRANH VẼ CỦA TRẺ
Minh hoạ – Ảnh của Marcus Spiske

Ngoài ra, bằng cách trò chuyện cởi mở và không dán nhãn hay đánh giá, bố mẹ có thể đặt câu hỏi thêm cho trẻ về nguồn gốc của những ý tưởng này. Thường thì những hình vẽ bạo lực có thể liên quan đến việc xem quá nhiều tivi hoặc trò chơi điện tử.

Nhìn chung, tất cả những nội dung tranh vẽ khiến cho bố mẹ cảm thấy lo lắng, đó chính là cơ hội để bố mẹ trò chuyện và làm công tác giáo dục cho con mình. Trẻ trong quá trình lớn lên luôn có nhu cầu tìm hiểu và khám phá thế giới quanh mình bằng nhiều cách, vậy thông qua tranh vẽ của trẻ, bố mẹ có cơ hội để hiểu một phần những điều bé học được cũng như tâm tư hay nguyện vọng của con, từ đó có những sự đồng hành phù hợp hay can thiệp kịp thời.

>>> ĐỪNG BỎ QUA: TOP 5 CÁC ỨNG DỤNG VẼ TRÊN iPAD BIẾN BẠN THÀNH HOẠ SĨ

NHƯNG CÓ PHẢI TẤT CẢ TRANH VẼ CỦA TRẺ ĐỀU CÓ Ý NGHĨA HOẶC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CHÚNG?

Chúng ta đều đồng ý rằng việc nhìn vào tranh vẽ của trẻ có thể giúp người lớn hiểu những suy nghĩ bên trong trẻ hơn, tuy nhiên theo các chuyên gia, chúng ta không nên tập trung phân tích các bức tranh một cách quá mức và nặng nề. Vì đôi khi, một tranh vẽ của trẻ có thể mang những dấu hiệu nào đó chúng ta cho rằng không tốt, nhưng thực ra vốn trên thực tế đứa trẻ đó vẫn rất ổn và không có gì cần chúng ta phải lo lắng cả.

BỐ MẸ HIỂU CON QUA TRANH VẼ CỦA TRẺ
Hình minh hoạ – Tranh vẽ của học viên trong lớp học PhatVeBauTroi

Nhiều trường hợp tranh vẽ của trẻ không phản ánh suy nghĩ của chúng, có thể những hình trẻ vẽ là sản phẩm sao chép từ một trang truyện yêu thích, hoặc từ yêu cầu của giáo viên trong lớp học, cũng có thể chỉ là việc vẽ nghệch ngoạc cho vui hay trò nghịch phá nào đó trên giấy.

Luôn nhớ rằng thông qua tranh vẽ, bạn luôn có cơ hội để trò chuyện cùng con mình để tìm hiểu lý do và nguồn gốc mang đến những ý tưởng đó, những thông tin mang lại từ việc trò chuyện có thể giúp người lớn bớt đi cảm giác lo lắng hay bất an, đồng thời cũng mang lại cơ hội để người lớn giúp trẻ nhận định được việc đúng, việc sai, việc nào nên làm và việc nào không nên làm.

Lưu ý khi trò chuyện, người lớn không nên phán xét mà hãy tôn trọng ý tưởng của trẻ, không chế nhạo hay cười cợt sự cố gắng của trẻ trong sự nỗ lực để hoàn thành được bức tranh. Ngoài ra, bạn hãy giữ cho cuộc trò chuyện mang không khí cởi mở, khơi gợi và tinh thần lắng nghe không áp đặt để cho trẻ có cơ hội từ giải thích về những hình vẽ của chính mình.

Một vài câu hỏi ví dụ như:

  • Đây là gì?
  • Vì sao đồ vật này lại ở đây?
  • Những người trong tranh vẽ đang làm gì?
  • Những người này họ là ai?
  • Chuyện gì đang diễn ra?
  • Kết thúc của nó sẽ như thế nào?
BỐ MẸ HIỂU CON QUA TRANH VẼ CỦA TRẺ
Hình minh hoạ – Tranh vẽ của học viên trong lớp học PhatVeBauTroi

Việc cố gắng để hiểu hết về trẻ qua những bức tranh chúng vẽ là điều không cần thiết, vì các sản phẩm từ nghệ thuật có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, nếu cố gắng để hiểu chúng có thể dẫn đến việc hiểu lầm hay hiểu sai về trẻ. Hãy xem những tranh vẽ như một cách tham khảo cũng như là những cơ hội để được trò chuyện cùng con, và thông qua việc quan sát hoạt động vẽ tranh cũng như sản phẩm được tạo ra, người lớn có thể nhìn thấy một chi tiết nào đó thể hiện xu hướng, mối quan tâm, câu chuyện hay cảm xúc của trẻ.

NHỮNG DẤU HIỆU TRONG TRANH VẼ ĐÁNG LO NGẠI

Ngoại trừ những trường hợp trên, trong thực tế vẫn có những tình huống đáng lo ngại khi nhìn vào những đặc điểm sau trong tranh vẽ cần được các bậc cha mẹ lưu tâm, vì nó có thể thể hiện điều khì đó bất ổn đang diễn ra trong cuộc sống của con bạn.

  • Khi tranh vẽ của trẻ bất ngờ có sự thay đổi nội dung đột ngột khác với tất cả những nội dung hay thói quen trẻ từng vẽ trước đây. Ví dụ như bạn nhìn thấy tranh vẽ của con bất ngờ có yếu tố bạo lực dù trước đây trẻ chưa bao giờ từng thể hiện điều đó khi vẽ tranh, tuy nhiên vẫn đề không nằm ở tranh vẽ, mà thông qua tranh vẽ, bạn hãy tìm hiểu và hỏi han con nếu có một khó khăn nào đó ở trường học hay với những người hàng xóm, thậm chí trong những mối quan hệ gia đình mình.
  • Theo các nhà trị liệu, nếu trẻ có xu hướng chỉ sử dụng liên tục màu đỏ hay đen trong tranh vẽ cũng là dấu hiệu quan trọng mà người lớn cần chú ý đến. Trẻ sử dụng nhiều màu đen thường có liên quan đến sự trầm cảm, sử dụng nhiều màu đỏ có thể là hiểu hiện của xu hướng hung hăng trong tính cách hay thể hiện cảm xúc tức giận. Bạn có thể cứ quan sát, đôi khi đó chỉ đơn thuần là sự lựa chọn theo sở thích màu sắc, bởi 2 loại màu này luôn ở trong hộp màu vẽ của trẻ hàng ngày, tuy nhiên nếu cha mẹ nhận thấy tất cả tranh vẽ đều mang lại cảm giác hay thiên hướng chỉ sử dụng 1 loại màu như kể trên và từ chối sử dụng các loại màu khác, cha mẹ hãy cân nhắc trò chuyện với bé hoặc tìm hỏi đến các chuyên gia.
  • Nếu con bạn vẽ những điều kỳ lạ hay trông bất thường về gia đình mình, hoặc vẽ thành viên nào đó trong gia đình tạo những cảm giác đáng sợ, hoặc cố gắng tách mình ra khỏi các thành viên còn lại một cách thường xuyên. Theo tiến sĩ H’vovi Bhagwagar, những điều đó cũng thể hiện nhiều thông điệp khó khăn hoặc cảm xúc xấu đang tồn tại trong chính mối quan hệ hiện tại của trẻ và gia đình.

TÓM LẠI, BỐ MẸ HIỂU CON THÔNG QUA TRANH VẼ BỞI:

  • Tranh vẽ của trẻ em thường chứa đựng nhiều ý tưởng bắt nguồn từ suy nghĩ, trải nghiệm xung quanh và cảm xúc của trẻ mà đôi khi chính trẻ cũng không tự nhận thức được điều đó.
  • Tranh của trẻ nhỏ đôi khi không dùng để thưởng thức, hay không thể hiểu, khi đó, tranh của trẻ dùng để đặt câu hỏi. Các bậc cha mẹ có thể đặt câu hỏi cởi mở với sự tôn trọng và sự lắng nghe chân thành để tạo cơ hội cho trẻ kể về bức tranh hay suy nghĩ của mình qua tranh vẽ.
  • Không thể hiểu hết về trẻ hay đánh giá được trẻ chỉ qua tranh vẽ, tranh trẻ vẽ chỉ mang tính tham khảo để người lớn có thêm cơ hội quan sát đứa trẻ trong gia đình mình. Vẫn có đôi khi, tranh vẽ của trẻ chỉ thực hiện theo yêu cầu của lớp học, hoặc sự sao chép lại những câu chuyện hay nhân vật trẻ yêu thích. Cũng đôi khi, tranh vẽ của trẻ không chứa đựng thông điệp nào liên quan đến trẻ, thi thoảng đó chỉ là tranh chúng vẽ nghệch ngoạc không có mục đích hay chỉ đơn thuần là nghịch phá trên tờ giấy bằng những màu sắc của mình.
  • Để hiểu được trẻ, không chỉ dựa vào tranh vẽ, hãy quan sát con cái trong những hoạt động khác hàng ngày, cùng với việc dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe trẻ nhiều hơn.
  • Nếu bạn nhìn thấy những dấu hiệu đặc biệt lặp lại thường xuyên qua nhiều bức tranh của con khiến bạn cảm thấy lo lắng, đừng vội kết luận về vấn đề của trẻ, thay vào đó, bạn có thể tìm đến sự các chuyên gia tâm lý hay người có chuyên môn để được giải đáp và hỗ trợ.

Trên đây là những thông tin PhatVeBauTroi chia sẻ về BỐ MẸ HIỂU CON QUA TRANH VẼ CỦA TRẺ Hy vọng những chia sẻ này mang đến nhiều lợi ích và cần thiết cho các bậc cha mẹ trong hành trình nuôi con của mình.

Nếu có những câu hỏi, thắc mắc hay những chia sẻ gì khác, bạn hãy để nó dưới phần bình luận của bài viết nhé!

PhatVeBauTroi

<3

Nguồn tham khảo: The Psychology Of Children’s Artwork: What Your Child’s Drawings Can Reveal

Để lại một bình luận

Giỏ hàng
Lên đầu trang