CÁCH VẼ PHỐI CẢNH 1 ĐIỂM TỤ BẰNG PROCREATE TRÊN IPAD

CÁCH VẼ PHỐI CẢNH 1 ĐIỂM TỤ BẰNG PROCREATE TRÊN IPAD

Phối cảnh 1 điểm tụ là một trong những phối cảnh đơn giản nhất trong vẽ tranh mà bạn nên biết.

Phối cảnh 1 điểm tụ sẽ giúp bạn tạo ra một ảo giác không gian trên một mặt phẳng của tờ giấy đang vẽ, điều đó sẽ giúp tranh vẽ của bạn trông tốt hơn, có chiều sâu hơn và diễn đạt câu chuyện/ thông điệp rõ ràng hơn.

Thật ra, bạn đã từng biết vẽ phối cảnh rồi đấy, kể cả khi bạn chưa biết về quy luật của phối cảnh là gì nhưng tôi tin chắc rằng nó đã từng tồn tại trong những tranh vẽ mà bạn từng thực hiện trước đây. Đơn cử là một trong những nguyên tắc của phối cảnh là: “Gần – to, xa – nhỏ”, những nhân vật hay đồ vật có kích thước to, nhỏ thể hiện sự đứng gần hoặc đứng xa trong tranh, thì đó chính là phối cảnh.

Phối cảnh một điểm tụ xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau như điện ảnh, thiết kế, nhiếp ảnh, công trình, … Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, PhatVeBauTroi sẽ chia sẻ cho bạn về phối cảnh 1 điểm tụ trong riêng lĩnh vực hội hoạ, vẽ vời nhé.

Và đây cũng là loại phối cảnh mà PhatVeBauTroi dùng nhiều nhất trong những tranh vẽ của mình trước đây.

>>> ĐỪNG BỎ QUA: 4 LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU CÁCH HỌC VẼ BẰNG VIỆC SAO CHÉP KHIẾN BẠN BẤT NGỜ

Phối cảnh 1 điểm tụ là gì?

Người tìm ra quy luật phối cảnh một điểm tụ là Filippo Brunelleschi, một kiến trúc sư, nhà điêu khắc và kỹ sư người Ý sống vào thời kỳ Phục Hưng.

Phối cảnh 1 điểm tụ
Filippo Brunelleschi – Ảnh: Google

Phối cảnh 1 điểm tụ (one-point perspective) là một kỹ thuật vẽ giúp tạo ra ảo giác về chiều sâu và không gian trên một tờ giấy phẳng.

Phối cảnh 1 điểm tụ là cách bạn vẽ thể hiện các đối tượng nhỏ dần khi chúng ở xa dần, kỹ thuật vẽ này dựa trên nguyên lý rằng tất cả các đường song song trong thực tế sẽ hội tụ tại một điểm duy nhất trên đường chân trời khi được vẽ trên bề mặt hai chiều. Điểm này được gọi là điểm tụ (vanishing point).

Phương pháp này thường thích hợp khi chủ đề được nhìn từ mặt trước (như khi nhìn thẳng vào mặt của một khối lập phương hoặc bức tường của tòa nhà) hoặc khi nhìn một cái gì đó dài, như con đường hay đường sắt. Đây là nguyên lý phổ biến đối với các kiến trúc sư và họa sĩ minh họa, đặc biệt là khi vẽ nội thất cho một căn phòng.

Vẽ phối cảnh là một kỹ năng quan trọng giúp bạn hiểu về không gian và chiều sâu trong hội hoạ.

>>> ĐỪNG BỎ QUA: NGÔN NGỮ HÌNH ẢNH VÀ THƯ VIỆN HÌNH ẢNH TRONG NGHỆ THUẬT VẼ VỜI

Các thành phần chính của phối cảnh 1 điểm tụ

Điểm tụ (Vanishing Point):

Điểm tụ là điểm mà tất cả các đường ngang song song trong không gian thực tế hội tụ lại khi được vẽ trên mặt phẳng giấy. Bạn hiểu nôm na là: khi nhìn ở ngoài đời, các đường nằm song song với mặt đất và nằm song song với nhau, nhưng khi vẽ lên tranh, bạn sẽ phải vẽ các đường song song này trở thành đường hội tụ.

Phối cảnh 1 điểm tụ

Hãy nhìn vào hình bên trên, bạn hiểu rõ ràng khi ở ngoài đời thật, con đường này có chiều rộng bằng nhau từ đầu tới cuối, các ô gạch song song nhau, nói cách khác, 2 bên lề đường và 2 dãy nhà hai bên song song với nhau. Nhưng khi chụp ảnh nó lại và nhìn trên 1 bức ảnh phẳng, bạn hãy nhìn vào các đường màu đỏ, con đường này nhỏ dần và hút về 1 điểm màu đỏ cùng các viên gạch và 2 dãy nhà.

Bạn hiểu rồi chứ, để diễn tả chiều sâu của một không gian trên thực tế, bạn phải làm nó tụ lại khi vẽ tranh. Khi làm như vậy, người xem tranh bạn sẽ tự khắc hiểu rằng không gian này sâu thẳm, có chiều sâu, và con đường không hề thay đổi độ rộng.

Đó chính là nguyên tắc của phối cảnh 1 điểm tụ. Và điểm màu đỏ trên hình chính là điểm tụ.

Điểm tụ thường nằm trên đường chân trời và là yếu tố quan trọng nhất trong phối cảnh 1 điểm tụ mà bạn cần lưu nhớ.

Đường chân trời/ Đường tầm mắt (Horizon Line)

Đường chân trời là đường ngang tưởng tượng đánh dấu vị trí của giới hạn mắt người khi quan sát. Điểm tụ luôn nằm trên đường chân trời này. Đường chân trời chia không gian thành hai phần: phần trên là bầu trời và phần dưới là mặt đất.

Thực tế đường chân trời không hề tồn tại, đường chân trời ở đây ám chỉ giới hạn của mắt bạn khi nhìn, tức khi nhìn đến một giới hạn nào đó, bạn không thể nhìn xa hơn được. Đơn giản nhất là khi bạn ngồi từ trong đất liền ra biển, đường ngang chia mặt biển và bầu trời, gọi là đường chân trời.

Phối cảnh 1 điểm tụ
Đường chân trời – Ảnh: Google

Bởi vì nó là giới hạn của tầm mắt, nên bạn có thể gọi là ĐƯỜNG CHÂN TRỜI hay ĐƯỜNG TẦM MẮT cũng đều được cả. Khi bạn đừng trên cao, đường chân trời sẽ thấp xuống, khi bạn đừng dưới thấp hoặc đưa mắt mình sát mặt đất, đường chân trời sẽ nằm cao lên. (Khi bạn dùng camera hay điện thoại chụp ảnh, nó cũng tương tự như mắt nhìn của bạn, nguyên tắc là như nhau)

Phối cảnh 1 điểm tụ
Ảnh: Google

Nhưng bạn cũng đừng nhầm lẫn khi quan sát khung cảnh trong thành phố và mắt bạn bị giới hạn bởi nhà cửa hay các toà nhà, đó không phải đường chân trời hay đường tầm mắt. Đường chân trời phải là đường giao giữa mặt đất và bầu trời, bạn nhớ nhé!

Phối cảnh 1 điểm tụ

>>> ĐỪNG BỎ QUA: BỐ MẸ HIỂU CON QUA TRANH VẼ CỦA TRẺ

Đường hội tụ (Converging Lines)

Đường hội tụ là những đường thẳng kéo dài từ các điểm trên đối tượng vẽ và hướng về điểm tụ. Những đường này giúp tạo ra ảo giác về chiều sâu và sự xa gần trong tác phẩm.

Bạn quan sát lại hình này, đường hội tụ chính là những đường màu đỏ được vẽ trên hình. Trên thực tế, đó chính là những đường ngang mặt đất và song song với nhau, và khi vẽ, bạn phải vẽ chúng hội tụ về một điểm (Điểm tụ – Vanishing Point) để thể hiện chiều sâu của chúng.

Nói về đường hội tụ, khi nhìn vào hình, bạn sẽ nhận ra, đường hội tụ này chỉ dành cho những đường ngang với mặt đất và song song với nhau. Vậy những đường vuông góc (đường thẳng) với mặt đất thì sao, câu trả lời là: Những đường vuông góc (đường thẳng) thì giữ nguyên.

Phối cảnh 1 điểm tụ
Nguồn: Google

Vậy nếu xem bức hình trên có 3 loại đường nét đi theo 3 trục X,Y,Z trong không gian, trong đó:

  • Trục X: là những đường nằm ngang và song song với nhau trên mặt đất thể hiện độ rộng của đồ vật hay của không gian.
  • Trục Y: là những đường nằm thẳng đứng song song với nhau và vuông góc với mặt đất thể hiện chiều cao của đồ vật hay không gian.
  • Trục Z: là những đường hội tụ nằm xéo hướng vào trong màu đỏ thể hiện chiều sâu của không gian.
Phối cảnh 1 điểm tụ

Thì chúng ta có thể kết luận, trong phối cảnh 1 điểm tụ:

  • Đường thẳng thể hiện chiều cao (Trục Y) thì vẽ thẳng.
  • Đường ngang thể hiện chiều ngang (Trục X) thì vẽ ngang.
  • Đường thể hiện chiều sâu (Trục Z) thì vẽ hội tụ.

Đây là nguyên tắc mà bạn cần nhớ để thực hiện loại phối cảnh này.

Các đối tượng vẽ (Objects)

Các đối tượng trong phối cảnh một điểm tụ chính là những hình bạn vẽ lên tranh, thường là các hình khối đơn giản như hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình khối lập phương, … đại diện cho cái bàn, cái tủ lạnh, toà nhà, chiếc xe, …. Các mặt của những hình khối này sẽ hướng về phía điểm tụ, tạo ra cảm giác rằng chúng đang bị hút vào điểm tụ trong không gian.

Các bước vẽ trên iPad phối cảnh 1 điểm tụ một căn phòng

Phối cảnh 1 điểm tụ giúp các hình vẽ trông thực tế hơn bằng cách tạo cảm giác chiều sâu. Bạn sẽ học cách vẽ các đối tượng thu nhỏ dần khi chúng xa dần, hội tụ về một điểm trên đường chân trời, điều đó sẽ giúp bạn kể chuyện bằng hình ảnh một cách sinh động và rõ ràng hơn.

Phối cảnh 1 điểm tụ có khả năng thể hiện chiều sâu của nhiều loại không gian khác nhau, nhưng nếu bạn là một người mới biết đến khái niệm này, PhatVeBauTroi sẽ hướng dẫn bạn bắt đầu với phối cảnh trong 1 căn phòng trên iPad bằng phần mềm Procreate.

Phối cảnh 1 điểm tụ

>>> ĐỪNG BỎ QUA: 10 LỢI ÍCH KHI VẼ SÁNG TẠO TRÊN IPAD (Bạn chưa từng biết đến)

Bước 1: Mở lưới phối cảnh 1 điểm tụ (Drawing Guide) trong Procreate trên iPad

Để bật Drawing Guide, đầu tiên hãy bật phần mềm Procreate trên iPad, sau đó vào menu Actions rồi chọn tab Canvas, tại đó bạn sẽ tìm thấy hai tùy chọn có tên: “Drawing Guide” và “Edit Drawing Guide”.

Bạn sẽ cần bật công tắc “Drawing Guide“. Điều này sẽ cho phép bạn truy cập vào nhiều hệ thống lưới vẽ khác nhau có sẵn. Để chọn một loại lưới vẽ cụ thể, chỉ cần chạm vào “Edit Drawing Guide“.

Phối cảnh 1 điểm tụ

Bây giờ bạn đã vào menu “Drawing Guides”, bạn sẽ thấy có một số tùy chọn khác nhau để lựa chọn. Bao gồm:

  • Lưới 2D (2D Grid)
  • Lưới phối cảnh Isometric (Isometric)
  • Phối cảnh (Perspective)
  • Đối xứng (Symmetry)

Đối với mục đích của bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào nội dung phối cảnh 1 điểm tụ, vì vậy, bạn hãy chọn tab Perspective.

Bước 2: Tuỳ chỉnh lưới phối cảnh Perspective

Sau khi chọn chế độ “Perspective“, chỉ cần chạm vào bất kỳ vị trí nào trên màn hình để tạo tối đa ba điểm tụ, trong bài này, bạn sẽ chỉ cần tạo ra 1 điểm tụ mà thôi, nếu bạn lỡ tay tạo ra 2 hay 3 điểm, hãy UNDO để làm lại. Khi điểm tụ đầu tiên xuất hiện bằng cái chạm ngón tay lên màn hình, thì đồng thời đường chân trời cũng xuất hiện, và điểm tụ vừa tạo ra nằm ngay trên đường chân trời đó.

Sau đó, bạn có thể kéo nút điểm tụ màu xanh vừa tạo để điều chỉnh hướng nhìn phối cảnh của mình. Ngoài ra, có một số tùy chọn bên dưới có thể thay đổi đặc điểm của lưới phối cảnh 1 điểm tụ mà bạn vừa tạo:

Phối cảnh 1 điểm tụ
  • Đầu tiên, sử dụng thanh trượt “ Thickness (Độ dày) ” trên thanh công cụ phía dưới để điều chỉnh độ dày của các đường hội tụ. (Nếu đoạn này bạn chưa nhớ được định nghĩa, hãy kéo lên xem lại phần dầu bài viết”
  • Thứ hai, sử dụng thanh trượt “ Opacity (Độ mờ đục) ” để điều chỉnh độ trong suốt của các đường hội tụ và đường chân trời theo ý bạn.
  • Thứ ba, sử dụng “ Thanh trượt màu ” ở phía trên màn hình để điều chỉnh màu của các đường hội tụ.
  • Ngoài ra, hãy sử dụng “ (Assisted Drawing) Trợ lý vẽ ” ở góc dưới bên phải để tự động điều chỉnh nét vẽ của bạn theo hướng của các đường hội tụ, nó cho phép bạn dễ vẽ theo lưới phối cảnh hơn. Tuy nhiên nếu không quen dùng, bạn cứ tắt mục này đi.

Khi bạn đã hài lòng với giao diện của Lưới phối cảnh vừa , hãy nhấn Done ở góc trên bên phải để quay lại Canvas (trang vẽ).

Sau đó, lưới phối cảnh của bạn sẽ xuất hiện dưới dạng một lớp phủ ảo bên trên tranh vẽ, do đó chúng sẽ không ảnh hưởng gì đến tranh bạn vẽ cả. Trong trường hợp bạn muốn thay đổi, xoá bỏ hay chỉnh sửa lưới phối cảnh, cứ vào menu Actions và làm lại các thao tác trên nhé!

Bước 3: Bắt đầu vẽ vật thể vào trong lưới phối cảnh 1 điểm tụ

Trước đó bạn đã đặt được điểm tụ nằm mặc định trên đường chân trời, vậy chúng ta sẽ thử nghiệm với 1 đường ray xe lửa, bạn sẽ vẽ đường ray với 2 thanh dọc theo đường ray hội tụ về điểm tụ.

Phối cảnh 1 điểm tụ

Tiếp theo là cây cối, bầu trời và các yếu tố khác ở xa. Khi bạn vẽ, bạn sẽ nhận thấy mọi thứ dường như nhỏ lại khi chúng lùi dần vào khoảng cách, tạo ra cảm giác chân thực về chiều sâu và không gian trong bản vẽ của bạn.

Tương tự thế, bạn vẽ một văn phòng, hay các đồ vật như bàn ghế, bạn cũng sử dụng tư liệu tham khảo bên ngoài kết hợp với lưới phối cảnh đang có trên iPad, và luôn ghi nhớ nguyên tắc:

  • Đường thẳng thể hiện chiều cao (Trục Y) thì vẽ thẳng.
  • Đường ngang thể hiện chiều ngang (Trục X) thì vẽ ngang.
  • Đường thể hiện chiều sâu (Trục Z) thì vẽ hội tụ.

>>> ĐỪNG BỎ QUA: TOP 5 CÁC ỨNG DỤNG VẼ TRÊN iPAD BIẾN BẠN THÀNH HOẠ SĨ

Tổng kết phối cảnh 1 điểm tụ

Phần mềm Procreate trên iPad là công cụ hữu ích để thực hành vẽ tranh trong phối cảnh 1 điểm tụ, các hệ thống lưới của phần mềm có khả năng hỗ trợ bạn nhiều trong quá trình vẽ nhân vật hay đồ vật trong phối cảnh.

Tuy nhiên, phối cảnh 1 điểm tụ còn nhiều thứ đáng nói và chi tiết hơn nữa, ngoài ra để thực hiện được nó một cách thuần thục bạn cũng cần học từng bước từ khối cơ bản trong phối cảnh đến phối cảnh của những khung cảnh phức tạp. Trong khuôn khổ bài viết này, PhatVeBauTroi chỉ giới thiệu đến bạn để nhận biết và biết cách sử dụng lưới phối cảnh trong Procreate.

Ngoài ra, nếu bạn chưa biết đến phần mềm Procreate trên iPad, tại Phatvebautroi có khoá học vẽ iPad cơ bản dành cho bạn.

Bạn thân mến, trên đây là những chia sẻ của PhatVeBauTroi về CÁCH VẼ PHỐI CẢNH 1 ĐIỂM TỤ BẰNG PROCREATE TRÊN IPAD. Hi vọng những chia sẻ của mình có thể giúp ích được một phần trong quá trình học vẽ của bạn.

Nếu bạn có những chia sẻ khác hay thắc mắc, vui lòng để lại dưới phần bình luận nhé!

Thân mến,

PhatVeBauTroi

<3

Để lại một bình luận

Giỏ hàng
Lên đầu trang