4 LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU CÁCH HỌC VẼ BẰNG VIỆC SAO CHÉP KHIẾN BẠN BẤT NGỜ

Có nhiều cách học vẽ cho người mới bắt đầu, bạn có thể tìm đến lớp học hay gia sư để học vẽ theo chủ đề và các kỹ năng cơ bản, nhưng nếu bạn không có nhiều thời gian, bạn sẽ chọn cách học vẽ tại nhà qua vẽ đồ vật, con vật hay một chủ đề tưởng tượng do bạn nghĩ ra.

Bạn có biết, có một cách khác khiến bạn vẽ dễ dàng hơn nữa, đó là việc sao chép/ hay vẽ lại một bức tranh/ hình vẽ của người khác.

Tuy nhiên, hình thức sao chép hay bắt chước lại khiến cho bạn cảm thấy bản thân không sáng tạo, không thực sự làm bằng chính năng lực của mình, sản phẩm của mình chỉ là bản sao của người khác. Từ đó khiến bạn cảm thấy mất tự tin và lúng túng, hoài nghi về năng lực vẽ thực sự của bản thân.

Vậy bạn có cho rằng việc vẽ lại hình vẽ của người khác là một điều sai?

Theo PhatVeBauTroi, sao chép hình ảnh từ người khác không có gì sai trái, mà đó lại là một cách học vẽ tốt và hiệu quả. Vì hầu hết khởi đầu của mọi hoạ sĩ hay nghệ sĩ thị giác đều bắt đầu từ việc bắt chước các nghệ sĩ khác, và họ dần khám phá ra phong cách của riêng mình theo thời gian.

Cách học vẽ
Nguồn tranh vẽ bên trái: Fanpage Goro Fujita Art

Vậy, có rất nhiều lý do để chúng ta bắt đầu chép các bức tranh để học vẽ, hãy cùng PhatVeBauTroi tìm hiểu thêm nhé:

4 LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU CÁCH HỌC VẼ BẰNG VIỆC SAO CHÉP

1/ VẼ LÀ MỘT CÁCH ĐỂ QUAN SÁT

Đứng trước một khung cảnh hay con người, bạn nếu chưa hề vẽ bao giờ sẽ cảm thấy rất khó khăn để bắt đầu vẽ, bạn không biết vẽ từ đâu, vẽ như thế nào, làm sao để diễn tả không gian, điểm sáng – tối, tỉ lệ, màu sắc, … Tất cả mọi thứ đều nằm ngoài hiểu biết về vẽ của bạn, điều đó làm bạn mất tự tin và ngần ngại để bắt đầu.

Nhưng khi ngồi trước một tranh vẽ của người khác, bạn có thể cảm thấy dễ chịu hơn, bạn nhìn thấy các đường nét một cách rõ ràng, các mảng màu được tính toán sẵn, … bạn nhìn thấy trước được kết quả mà mình tạo ra được nếu bắt tay làm, điều đó khiến bạn tự tin hơn và cảm giác có khả năng làm được.

Tuy nhiên, việc bắt chước lại tranh vẽ của người khác có phải là điều sai lầm và không được cho phép hay bị phản đối không?

Với PhatVeBauTroi, vẽ là một cách để quan sát của bạn. Bạn luôn cần quan sát để vẽ lại, thay vì chỉ quan sát, bạn vẽ lại sự quan sát. Dù đó là một khung cảnh thật hay tranh vẽ của người khác, bạn chỉ đơn giản vẽ lại sự quan sát của mình với mục đích học hỏi.

Chỉ cần bạn thành thật với điều bạn làm!

+ Bạn sẽ không cần xin phép bất cứ ai nếu bạn vẽ lại một cảnh thật, vì chẳng ai sở hữu khung cảnh đó, trừ khi có biển cấm vẽ, cấm chụp ảnh, quay phim vì một lý do nào đó.

Cách học vẽ
Quan sát và vẽ lại cảnh thật từ PhatVeBauTroi

+ Nhưng khi bạn quan sát và vẽ lại tranh vẽ của người khác, sản phẩm mà bạn chọn để vẽ được sở hữu bản quyền bởi tác giả tạo ra nó, bạn sẽ không được phép tự nhận mình là tác giả của sản phẩm sao chép, hay kinh doanh nó. Nếu bạn có mục đích tập luyện, thử sức mình hay chỉ để vẽ thư giãn, bạn hoàn toàn có thể sao chép nó kèm theo trích dẫn nguồn hay tên tác giả của sản phẩm gốc để thể hiện sự tôn trọng họ.

Việc bắt chước và sao chép lại tranh vẽ của người khác là một cách học vẽ rất tốt. Nếu bạn là một người muốn bắt đầu vẽ, hay thử dùng sự quan sát của mình để sao chép một bức tranh xem.

ĐỪNG BỎ QUA: VẼ THƯ GIÃN VÀ TẬN HƯỞNG MỖI KHOẢNH KHẮC CUỘC SỐNG

2/ SAO CHÉP ĐỂ HỌC HỎI

Bạn có giống như tôi không? Khi còn nhỏ tôi đã miệt mài ngồi vẽ lại các nhân vật trong những bộ truyện mà mình yêu thích. Các nhân vật như Songoku, Doraemon hay Pokemon, … đều được tôi lưu lại bằng nét chì trong các trang sách giáo khoa và giấy vẽ của mình. Và từ đó, những hình vẽ nhân vật khác của tôi cũng mang theo những đặc điểm hay phong cách của những nhân vật mà tôi đã cố gắng sao chép trước đó.

Vì vậy, việc sao chép, bắt chước theo một hình vẽ đã dạy cho tôi rất nhiều điều.

Cách học vẽ
Tranh tôi vẽ Pokemon trên giấy

Tôi nhận ra, trong việc sao chép người khác cho một người mới bắt đầu vẽ như chúng ta một “hướng đi đúng đắn”, tôi đã không biết nên vẽ thứ gì khi thời gian đầu cầm bút vẽ, cho đến khi nhìn thấy những nhân vật hay bức tranh mình thích, tôi đã biết mình cần làm gì. “Hướng đi” chính là kết quả mà mình muốn hướng đến, là mục tiêu được mình lựa chọn trước khi mình bắt tay vào làm.

Cách học vẽ

Tuy nhiên, tôi có thể nói thêm, khi sao chép, bạn cũng chỉ sao chép được nội dung của hình vẽ, nhưng có một thứ mà bạn không thể sao chép được dù có cố gắng đến mấy, đó chính là quá trình mà tác giả đã vẽ ra bức tranh. Nói một cách khác, khi sao chép tranh, kết quả bạn tạo ra có thể giống bản gốc, nhưng quá trình vẽ ra nó lại chính là năng lực thực sự của bạn. Bạn phải suy nghĩ khi sao chép, bạn phải điều khiển đường nét khi sao chép, bạn cũng phải điều chỉnh tỉ lệ và bố cục giữa các phần với nhau khi sao chép, …

Vậy, khi bạn bắt chước vẽ lại một bức tranh, nếu bạn có cảm nhận trong quá trình vẽ, bạn rút ra những kinh nghiệm, bạn khám phá ra một phong cách mới, … tất cả những điều đó, chính là bài học mà bạn nhận được trong việc vẽ của mình.

Bắt chước là một hình thức học hỏi chân thành nhất

George Bernard Shaw

ĐỪNG BỎ QUA: NGÔN NGỮ HÌNH ẢNH VÀ THƯ VIỆN HÌNH ẢNH TRONG NGHỆ THUẬT VẼ VỜI

3/ SAO CHÉP ĐỂ TÌM THẤY PHONG CÁCH CỦA RIÊNG MÌNH

Nhưng có người nói, khi sao chép một bức tranh, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi phong cách của người đã vẽ ra nó.

Điều đó không sai, bạn sẽ bị ảnh hưởng, tôi cũng vậy, tôi đã từng bị ảnh hưởng bởi bút pháp của những người thầy mà tôi từng theo học. Tôi cũng đã từng rất khổ sở và băn khoăn rằng mình không thể có phong cách riêng, tất cả những sản phẩm mà tôi làm đều bị hoà lẫn vào đâu đó, không một ai xung quanh khi nhìn vào tranh tôi vẽ mà nhận ra tôi như một bản sắc riêng mà tôi đã để vào đó.

Điều đó đã không khiến tôi dừng lại, tôi vẫn tiếp tục vẽ cho đến khi có một vài người đến nói với tôi rằng họ đã thấy rất nhiều Phát trong tranh vẽ của tôi. Đó là khoảnh khắc mà tôi nghĩ tôi đã có màu sắc riêng trong mắt khán giả.

Tôi nghĩ điều này cũng sẽ xảy ra tương tự với bạn nếu bạn vẽ nhiều. Vì dù bạn bắt chước một ai đó, trong quá trình vẽ, bạn không sao chép như một con robot được lập trình, bạn có thêm vào đó cảm xúc, suy nghĩ, bạn có quyết định và chính kiến, bạn có kinh nghiệm sống và câu chuyện, … tất cả những điều đó cũng sẽ tham gia cùng bạn và tác động lên quá trình bạn vẽ sao chép. Cho đến khi chúng cộng hưởng với kinh nghiệm từ việc bạn vẽ nhiều, sẽ mang bạn đến điều gì đó của riêng bạn.

Nếu nói về phong cách, thì có hữu hạn số lượng phong cách, nếu bạn không phải người muốn thành hoạ sĩ hay làm một việc dự án nào đó lớn lao liên quan đến hình ảnh, thì bạn không cần phải tự tạo cho mình một phong cách riêng biệt. Nếu bạn chỉ thích vẽ và muốn bắt đầu vẽ, việc của bạn chỉ là chọn 1 phong cách mình thích và đi theo, miễn là bạn yêu thích và mến mộ phong cách đó, bạn có niềm vui và hạnh phúc khi vẽ, chắc chắn một lúc nào đó, bạn sẽ tự nhiên khám phá ra được “chân trời phong cách” của riêng mình.

“Hãy bắt chước những gì bạn yêu thích. Bắt chước, bắt chước và bắt chước. Ở cuối bản sao chép ấy bạn sẽ tìm được chính mình”

Johji Yamamoto

Có một thử thách dành cho người vẽ rất thú vị được gắn hashtag #draw this in your style trên Instagram, hoạ sĩ thử thách các hoạ sĩ khác sao chép tranh vẽ của mình nhưng phải sao chép bằng phong cách của chính họ. Người tham gia sẽ vẽ lại tranh gốc bằng cách thay đổi đường nét, bản phối màu sắc, phong cách tổng thể, … và kèm theo ghi chú tác giả và tác phẩm gốc.

Cách học vẽ
Tôi chưa từng tham gia thử thách này, nhưng bạn có thể hình dung
về chiến dịch qua những tranh vẽ Fan art Hibiki Takane của tôi và vài người bạn

#Drawthisinyourstyle là một bước tiến khác của việc sao chép tranh vẽ khi bạn đã sao chép nhiều và tự có cảm nhận riêng về phong cách của mình.

4/ ĐÁNH CẮP NHƯ MỘT NGƯỜI NGHỆ SĨ

Trong quyển sách NGHỆ THUẬT ĐÁNH CẮP Ý TƯỞNG của tác giả. AUSTIN KLEON có viết:

Mọi ý tưởng chỉ là một hỗn hợp hay một bản phối lại của một hay nhiều ý tưởng trước đó. Điều này có nghĩa rằng tất cả hình vẽ mà bạn tạo ra đều đến từ những kinh nghiệm hay hiểu biết của bạn trước đó

Cách học vẽ

Điều này hoàn toàn đúng, tôi tin, chúng ta chỉ có thể vẽ ra những thứ mà chúng ta từng biết đến, kể cả đó là những ý tưởng thật điên rồ và phi logic, nhưng chắc chắn chúng cũng được dựa trên những logic mà bạn biết, được nghe kể hay được xem ở đâu đó trước đây.

Hiểu một cách đơn giản, bạn cần có thông tin “đầu vào” thì bạn mới tạo ra được những ý tưởng (đầu ra). Đẳng cấp hay trình độ vẽ của bạn cũng chỉ ngang với những dữ liệu mà bạn đang có trong đầu. 

Vậy, để bạn có thể vẽ một cách thoải mái và tốt hơn, nhiệm vụ của bạn khi bắt đầu chỉ là: Hãy nạp vào mình thật nhiều thông tin hình ảnh bằng cách sao chép nó, vẽ lại nó. Khi đó, bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn để tạo ra những ý tưởng mới về sau, kết hợp với kỹ năng vẽ từ quá trình sao chép, chắc chắn bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình trong việc vẽ của bạn hôm nay.

“Hãy đánh cắp từ bất kỳ thứ gì có khả năng gây cảm hứng và tiếp thêm năng lượng cho sức tưởng tưởng của bạn. Hãy say mê ngấu nghiến những bộ phim cũ và mới, những bài hát, những cuốn sách, bức tranh, những tấm ảnh, bài thơ, những giấc mơ, những cuộc trò chuyện bất chợt, công trình kiến trúc, những cây cầu, biển báo, bóng tối và ánh sáng, Hãy chỉ đánh cắp từ những thứ chạm trực tiếp đến tâm hồn bạn, Khi đó, tác phẩm của bạn sẽ trở thành chân thực.”

Jim Jarmusch

Khi bạn sao chép đến một lúc nào đó, bạn sẽ nảy ra những suy nghĩ mới: bắt đầu vẽ ra những thứ mới mẻ hơn, bạn dùng những thứ mình học hỏi được cho ra đời một bức tranh của riêng mình. đó chính là giai đoạn tiếp theo của việc sao chép: sự kết hợp.

Bạn kết hợp những ý tưởng thu lượm trước đó để tạo ra những thứ mới, Bạn kết hợp con voi với con chim, tạo ra con voi biết bay, bạn kết hợp con mèo và đồ chơi lật đật tạo ra nhân vật Doraemon

Nhân vật Bulbasaur trong Pokemon đưọc tạo ra có hình dạng kết hợp từ củ hành và một con khủng long. Nhưng điều lạ và vui ở đây, tác giả lại khẳng định ý tưởng của ông bắt nguồn từ củ hành và chú chó Bulldog, haha.

Cách học vẽ
Bulbasaur
Nguồn: Wikipedia

Sao chép và kết hợp, đó chính là quy trình của sự sáng tạo.

Khi sao chép và bắt chước, bạn đang học hỏi và thu thập.

Khi bạn kết hợp nhiều thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau rồi thay đổi, kết hợp chúng theo cách khác, tạo ra điều gì đó mới mẻ hơn, bạn đang tạo ra nghệ thuật.

MỘT VÀI LƯU Ý KHÁC DÀNH CHO BẠN

1/ NHỮNG CHIA SẺ TRÊN KHÔNG DÀNH CHO NGƯỜI CÓ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP HOẠ SĨ

Những gì tôi chia sẻ dành cho bạn với nhu cầu bắt đầu vẽ để phục vụ nhiều mục đích cá nhân và công việc khác nhau và không cần trở thành người chuyên nghiệp.

Ngoài ra, nếu bạn muốn vẽ chuyên nghiệp, hãy bắt đầu việc học một cách bài bản và tìm hiểu sâu hơn về các thành tố cơ bản của nghệ thuật, từ đó bạn sẽ có nền tảng vững chắc để đi xa hơn. Tuy nhiên, vì tôi tin, mỗi người sẽ có một cách riêng và phù hợp với mình, nên bạn cũng có thể tham khảo góc nhìn từ tôi cho hành trình vẽ của bạn. Hi vọng nó hữu ích.

2/ HÃY THÀNH THẬT, TÔN TRỌNG VÀ GHI CHÚ TÁC GIẢ KÈM THEO TÁC PHẨM MÀ BẠN SAO CHÉP

Nếu bạn thuần sao chép một sản phẩm của ai đó để học hỏi, hãy ghi chú tên tác giả của tranh gốc để thể hiện sự trân trọng nghệ thuật từ người tạo ra nó. Hoặc nếu bạn không biết tên tác giả, có thể ghi nguồn tham khảo nơi mà bạn lấy tranh.

Quá trình vẽ sao chép để học hỏi, gọi là Study/ Study Painting/ Study Drawing. Bạn có thể ghi chú kèm theo tranh sao chép của bạn như: Study drawing from (Tên tác giả), hoặc Tranh vẽ học hỏi từ hoạ sĩ (Tên tác giả), …

Cách học vẽ
Tranh study của PhatVeBauTroi từ tranh gốc của hoạ sĩ CRAIG MULLINS

Và tất nhiên, bạn không được phép kinh doanh hay bán các sản phẩm sao chép này. Đây là hành vi vi phạm bản quyền và pháp luật.

3/ KHÔNG GIỚI HẠN LOẠI CHẤT LIỆU KHI SAO CHÉP TRANH VẼ

Tóm lại, bắt chước và sao chép tranh vẽ của người khác là một cách tốt để bắt đầu và học vẽ. Có nhiều phương tiện để bạn làm được điều đó, bạn có thể vẽ vời bằng:

  1. Bút màu trên giấy
  2. Màu nước
  3. Bút kim
  4. Bút Markers
  5. Acrylic
  6. Thậm chí là vẽ trên chiếc iPad của bạn nhờ tính năng đa nhiệm sẵn có. Tại PhatVeBauTroi, bạn có thể tìm thấy kỹ năng sử dụng màn hình đa nhiệm để vẽ một cách dễ dàng khi tham gia đăng ký các khoá học.

Đừng bỏ qua: 10 LỢI ÍCH KHI VẼ SÁNG TẠO TRÊN IPAD

4/ HÃY VẼ NHIỀU, BẠN SẼ GIỎI HƠN NGÀY HÔM QUA

Hãy vẽ những gì bạn thích, bạn mến mộ và có cảm hứng, cứ đặt bút vẽ, bạn sẽ giỏi dần lên. Chỉ khi bạn làm nó bằng niềm vui, bằng sự hào hứng, bạn sẽ duy trì và biến nó thành thói quen sáng tạo.

Ngoài ra, không có cách nào khác để giỏi một thứ ngoài việc làm nó thật nhiều. Để hát hay, bạn hãy tập hát nhiều. Để nấu ăn ngon, bạn hãy vào bếp thực hành liên tục. Để vẽ giỏi, không có cách nào khác, hãy vẽ nhiều hơn.

Và đừng quên, bạn đừng chỉ tập trung vào việc sao chép người khác, đó chỉ là một trong những cách học. Hãy cân bằng việc vẽ của bạn bằng việc vẽ tự do, vẽ từ tưởng tượng, đến các lớp học, hoặc chỉ đơn thuần là nghuệch ngoạc trên giấy cũng mang nhiều ý nghĩa trong quá trình bạn học vẽ.


Trên đây là những quan điểm từ PhatVeBauTroi về việc sao chép tranh vẽ và 4 lý do để bắt đầu cách học vẽ bằng việc sao chép khiến bạn bất ngờ, hi vọng góc nhìn của tôi hữu ích trong việc tự học vẽ của bạn.

Nếu có những chia sẻ khác hay thắc mắc, vui lòng để lại dưới phần bình luận nhé!

Thân mến,

PhatVeBauTroi

<3

Để lại một bình luận

Giỏ hàng
Lên đầu trang